Sợ Toán phổ thông như... sợ cọp!
Đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Toán: Thể hiện tinh thần giảm tải Đề Toán thi tốt nghiệp THPT đợt 2 phù hợp với mục tiêu của kỳ thi Giáo viên nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán |
Thậm chí có học trò còn lấy thơ Tố Hữu “nhại” thành vần vèo thế này: "Thế là hết, chiều ni em đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại, Toán ơi/ Ta chẳng còn lo quỹ tích ngày mai/ Chóp nón, đới cầu, xê ra cho rảnh/ Tiệm cận ơi! Em sẽ là hình ảnh/ Tượng trưng cho Toán này, mãi mãi cách xa anh/ Mãi mãi cách xa em, Toán ơi, mãi mãi". Các bạn học trò tiễn biệt môn toán, sau khi thi hết phổ thông, linh đình với niềm sung sướng vô bờ như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai.
Vì sao môn toán phổ thông lại trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh học sinh như… sợ cọp?
Trước hết, chất lượng con người sinh học khác nhau. Từ con người sinh học đến con người xã hội lại là một quá trình nên lại càng khác nhau. Khác nhau ở tư duy. Người có khả năng tư duy logic thường thiên về Toán học. Ngược lại, tư duy Văn học là tư duy hình tượng gồm: Tư duy hành động - trực quan, tư duy hình tượng - cảm tính và sau mới là tư duy khái niệm. Người giỏi Văn đòi hỏi sự cảm nhận cảm xúc, tư duy vượt ra khỏi những logic thông thường.
Lợi thế của người tư duy phi logic khi giải quyết các vấn đề là không bị giới hạn bởi bị sự logic cầm tù nhưng khi trực tiếp giải quyết các vấn đề thì lại rất khó khăn. Có thể nói người giỏi Văn tư duy logic kém người giỏi Toán. Dĩ nhiên, giỏi là một chuyện còn thành công hay không lại là câu chuyện khác. Tư duy logic cũng không phải là điều kiện đầu tiên quyết định thành công.
Nói một cách dễ hiểu là: Tư duy Toán học là một cách nghĩ, tư duy Văn học là một cách nghĩ khác. Khi học trò vò đầu bứt tai, khổ sở để giải quyết một bài toán khó chính là đang rèn luyện tư duy logic. Khi vật vã làm một bài văn là học trò đang rèn luyện tư duy hình tượng.
Trong thực tế, ở một lớp học đứa trẻ vừa có tư duy logic vừa mang tư duy hình tượng hiếm như sao buổi sớm. Chỉ đến một độ tuổi trưởng thành, trải nghiệm, rèn luyện thì mới có người sở hữu và kết hợp hài hòa hai loại tư duy hình tượng và logic nhưng cũng không nhiều. Triết lý giáo dục toàn diện cho con người từ tấm bé là không sai. Chương trình phổ thông trang bị kiến thức toàn diện cho học sinh cũng không sai, chỉ sai ở quan niệm liều lượng và cách thực hiện.
Ai cũng biết Toán học là cần thiết. Ít nhất Toán học cũng trang bị cho con người kiến thức cơ bản để phục vụ cuộc sống, còn cao hơn nữa là trang bị tư duy logic để làm nghề, làm việc lớn.
Nhưng, các vấn đề Toán học cao hơn của đại số, lượng giác và hình học phổ thông thôi, để rèn luyện tư duy logic, cũng đã bắt đầu khó khăn, chật vật.
Sợ học Toán như sợ cọp còn do chương trình nặng quá, cao quá so với năng lực tiếp nhận học trò phổ thông. Rõ ràng thời phổ thông, hầu hết học sinh chưa kịp rèn luyện, để giáo dục toàn diện, học tốt các môn xã hội và cả môn tự nhiên. Càng học lên cao thì thiên hướng tư duy logic hoặc tư duy hình tượng càng bộc lộ rõ rệt. Cho nên đụng đến chương trình Toán phổ thông trung học bắt đầu có sự phức tạp và khó thì nhiều học sinh tư duy hình tượng “chối”, như húc đầu vào đá. Càng học càng thấy cao siêu, càng học càng thấy không ứng dụng vào thực tế như thời học nhân - chia - cộng - trừ đơn thuần số học ứng dụng thực tế.
Chán học Toán không thấy nó thiết thực hàng ngày, còn tương lai ứng dụng càng xa vời. Tuổi học trò non trẻ chưa đủ hiểu rằng học đại số, lượng giác, hình học không gian,… càng khó là càng rèn luyện tư duy logic tốt. Ở cái tuổi ấy, tư duy logic là gì, có ích lợi gì…, đâu có biết. Những học sinh thiên hướng tư duy hình tượng, liên tưởng, mơ tưởng vượt quá sự logic hướng tới những chân trời xa xăm càng khó khăn khi nhìn thấy những con số, những hình không gian “rối mù”. Thành ra, càng nhồi… Hàm số và đồ thị, Luỹ thừa, mũ và lôgarit, Đại số tổ hợp, Đạo hàm, Nguyên hàm, tích phân, Xác xuất thông kê…, càng bất lực.
Trong khi đó, các trò ấy có thể giải quyết dễ dàng một đề văn nghị luận xã hội, một cảm nhận tinh tế tác phẩm văn học, trình bày một văn bản hành chính, hay viết một lá thư giàu tình cảm, khúc chiết… lại không mấy khó khăn.
Sợ học Toán như sợ cọp còn do cách dạy và học môn Toán. Thầy Bá Phong ở Nghệ An là một người học chuyên toán từ nhỏ, đi học sinh giỏi toán nhiều lần, tốt nghiệp sư phạm toán loại giỏi, thầy là thạc sĩ toán, làm nghiên cứu sinh ở Pháp, nhiều năm giảng dạy toán, nghiên cứu giáo dục Mỹ và Singapore (hai cường quốc giáo dục trên thế giới), đã làm một phép so sánh thế này:
“Ở Mỹ và Singapore, trong mấy chục năm gần đây, việc hình thành nội dung Toán, các bài Toán và cách dạy và học Toán đi theo quy trình 4 bước:
Bước 1: Quan sát các tình huống thực tế và phát hiện ra vấn đề cần giải quyết.
Bước 2: Tìm kiếm 1 mô hình Toán học thể hiện được bản chất của vấn đề thực tế đó.
Bước 3: Giải quyết mô hình Toán học trên và tìm ra đáp án.
Bước 4: Áp dụng kết quả có được vào tình huống thực tế để giải quyết vấn đề”.
Mọi nội dung Toán học, mọi bài toán từ lớp 1 đến lớp 12 và cả đại học đều được phát triển theo quy trình 4 bước như trên. Do vậy, mọi bài toán được phát biểu dưới dạng 1 tình huống thực tế và trông nó chẳng có gì là Toán học cả.
Còn dạy và học Toán ở Việt Nam
Quay lại quy trình 4 bước hình thành 1 bài toán ở trên, Việt Nam chúng ta đang làm thế nào? Chúng ta cắt đầu, cắt đuôi, chỉ giữ lại 2 bước giữa: 2 và 3. Bịa đặt ra bài toán và yêu cầu học sinh giải bài toán đó cho ra kết quả. Chấm hết.
Chương trình toán phổ thông hiện nay quá nặng so với năng lực tiếp nhận của học sinh |
Các nhà Toán học, các thầy cô dạy Toán ra sức ngồi trong 4 bức tường, phòng lạnh, căn cứ các bài toán có sẵn trong các loại sách, rồi tìm cách thêm bớt giả thiết, kết luận, bịa đặt ra vô số các bài toán khác nhau với độ khó tăng dần để thách thức, đánh đố học sinh của mình thông qua 1 loạt các kỳ thi như: Hỏi miệng, kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học kỳ, cuối năm, học sinh giỏi, thi THPT quốc gia,…
Trong khi, những bài toán được bịa ra đó không hề được sử dụng để mô hình hóa cho bất kỳ tình huống có vấn đề nào đó trong thực tế cuộc sống đầy sôi động. Những bài toán khô khan, trống rỗng, lý thuyết suông như vậy làm sao hấp dẫn người học được?
Chúng ta gọi những thứ đó là Toán học, cho rằng nó đẹp như một bông hoa và đòi hỏi người học phải yêu nó, mê nó, học nó và tìm cách giải chúng. Người học không mê nó thì chúng ta đổ lỗi cho người học là không có ý thức học tập, lười biếng”.
Chả trách gì học sinh Việt Nam... sợ môn Toán như sợ cọp!
Nhà thơ Vương Trọng trước khi nhập ngũ, ông học Toán ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều năm luyện thi môn Toán vào đại học nói rằng: “Toán rất cần thiết, nhưng không nên bắt tất cả học sinh phải học toán một cách khốn khổ như ngày nay. Theo tôi, khái niệm phổ thông nên dừng ở cấp hai, còn cấp ba là phân ban. Những học sinh hướng tới các môn khoa xã hội không cần học toán, lý, hoá... nữa!” Phải chăng đây cũng là một ý kiến thú vị để hàng triệu con em chúng ta đi theo các ngành khoa học xã hội không lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc vào môn Toán học ở phổ thông trung học quá “cao siêu vô bổ”.
Học sinh phổ thông phân ban Xã hội chỉ cần học toán ứng dụng thực tế. Sẽ rất cần thiết. Bổ ích. Thú vị và hấp dẫn. Còn toán lý thuyết cao siêu dành cho các bạn phân ban Tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, và dành cho các nhà toán học, nhà vật lý học, nhà hoá học tương lai... Chứ cái gì cũng phải học, cũng phải biết, cuối cùng chẳng biết cái gì. Đời người ngắn ngủi lắm, con cháu chúng ta cứ phải è cổ cõng sách đến trường học cái cả cuộc đời không dùng thì cực kỳ lãng phí sức khỏe, công sức, thời gian.
Xã hội càng hiện đại càng phải phân ban, phân ngành, chuyên ngành, chuyên sâu... Không thể học dàn trải, học ôm đồm quá nhiều kiến thức. Nhồi nhét vào cái đầu trẻ thơ một khối lượng quá sức, mà phần lớn cuộc đời không dùng đến sẽ làm cho con người trở thành cái kho chứa đồ phế thải. Trang bị kiến thức phổ thông vừa phải, sau đó bước vào đời cần cái gì học tiếp là con đường ngắn nhất để thành công. Phụ huynh nào có con lười học toán, dốt học toán, sợ môn toán thì đừng vội quở mắng, đánh con mình.