Sống lại những ký ức lịch sử qua cầu truyền hình "Hồn thiêng sông núi"
Đến dự chương trình tại điểm cầu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuận; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh.
Tại điểm cầu xã Hòa Xã, huyện Ứng Hòa có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc Hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Các đồng chí là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP; các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn là hai địa danh gắn liền với các sự kiện lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là địa điểm diễn ra nhiều cuộc họp, sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc họp bàn về công tác giúp đỡ binh sĩ ngày 28/5/1946. Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn là nơi lưu giữ những thông tin, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật về phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, "Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ". Chiếc gậy Trường Sơn-kỷ vật hành quân qua dãy Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu của những người con xã Hòa Xá trở thành biểu tượng cho lòng quyết tâm của một thế hệ thanh niên Việt Nam.
Cầu truyền hình đặc biệt “Hồn thiêng sông núi” quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Khánh Ly, Xuân Hảo, Phạm Thu Hà, nhóm FM Band, nhóm Bel Canto… với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các ca khúc đi cùng năm tháng như: “Đất nước”, “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”, “Tổ quốc gọi tên mình”...
Điểm nhấn của chương trình là những màn giao lưu với nhiều nhân chứng lịch sử cùng những ký ức, câu chuyện chân thực. Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà văn Chu Lai, nhạc sĩ Trương Quý Hải, bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Xen kẽ các câu chuyện của các khách mời và các nhân chứng lịch sử … là những phóng sự, những hoạt cảnh kể về những nhân vật anh hùng, liệt sĩ như bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng bộ Thương binh cựu binh đầu tiên của nước ta, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc…
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật và ký ức chân thật của các nhân chứng lịch sử, cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi” đã đưa công chúng Thủ đô được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước; tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng trong mỗi người; tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.