Sữa học đường cần thiết và giúp cải thiện tầm vóc trẻ em
PGS. TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Bài liên quan
Hà Nội hỗ trợ 50% kinh phí sữa học đường cho trẻ em
Những ly sữa học đường: Hướng đến mục tiêu nâng tầm vóc trẻ em Việt
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Theo Đề án, phụ huynh chỉ phải đóng góp 50%, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, 20% còn lại do doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ. Học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách… sẽ được uống sữa miễn phí.
Mục tiêu của chương trình rất nhân văn nhưng trong quá trình triển khai đã vấp phải những băn khoăn của chính phụ huynh học sinh như lo ngại việc con em mình uống sữa quá nhiều liệu có dẫn tới tình trạng béo phì, sữa có thật sự cần thiết không?
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả các tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ hấp thu trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Bà Nhung cho biết: "Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3 - 4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6 - 7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa một ngày, trẻ 9 - 11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Các trường có thể chuyển đổi sữa đang có thành sữa chua hoặc phô mai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng để trẻ bị béo phì".
PGS. TS Bùi Thị Nhung nhận định trẻ em Hà Nội béo phì vì được ăn quá nhiều. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đầu tiên là cắt sữa cho con tuy nhiên không phải như vậy. Các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi… đều có lượng calo nhiều hơn sữa. Vì vậy, trẻ béo phì không phải do sữa mà do nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn một chiếc bánh bích quy, bánh giò hay bánh rán.
“Với trẻ em, sữa còn là nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu. Sữa học đường được bổ sung vi chất. Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều rất quan tâm tới điều này. Với mục tiêu của chương trình, chúng tôi hy vọng, canxi, vitamin và sắt được cải thiện hơn 30%.
Có 2 giai đoạn là dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì. Chương trình sữa học đường với mục tiêu bổ sung sữa cho trẻ em, cũng là căn cứ dựa theo đề án tổng thể nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới”, bà Nhung chia sẻ.
Nhấn mạnh thêm về vai trò của sữa trong phát triển thể lực và tầm vóc cho lứa tuổi học sinh, chuyên gia dinh dưỡng Bùi Thị Nhung dẫn chứng, bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200ml sữa, sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10 cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới.
PGS. TS Lê Bạch Mai, nghiên cứu viên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia - Bộ Y tế đánh giá, mối quan hệ giữa chế độ ăn với tình trạng sức khỏe đã được khẳng định từ lâu. Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chế độ ăn của từng người có ảnh hưởng sâu sắc - cả tích cực lẫn tiêu cực - giữa thay đổi chế độ ăn đến sức khỏe suốt cuộc đời, sự gia tăng tăng trưởng và dinh dưỡng đứng hàng đầu trong các yếu tố quyết định có thể điều chỉnh được đối với các bệnh mạn tính. Trong thập kỷ qua, bữa ăn của người Việt Nam đã có nhiều biến đổi.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ sữa trung bình của Việt Nam chỉ khoảng 12 lít/người/năm, chưa bằng một nửa của Thái lan, 1/3 Singapore và kém xa mức tiêu thụ sữa của người châu Âu. Vì thế, mức đáp ứng nhu cầu canxi của người Việt nói chung mới chỉ đạt ở mức xung quanh 60%.
Đối với cơ thể người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con bú thì sữa và chế phẩm (chứ không phải thịt) mới là nguồn protein và canxi quí giá. Mặt khác, trong điều kiện bữa ăn được cải thiện, thường lượng protein (thịt) tăng không song song với lượng canxi (sữa và chế phẩm) nên có thể làm tăng đào thải canxi và tăng nguy cơ loãng xương ở cộng đồng. Ở một số đối tượng, có nhu cầu canxi cao cần được quan tâm, đó là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ thời kỳ có thai và cho con bú.
Một người mẹ nuôi con bú 6 tháng có thể mất 4 - 6% lượng canxi của xương nếu không được bổ sung thích hợp. Theo kết quả tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 thì chiều cao trung bình của người Việt Nam là 164,4cm đối với nam và 153,4cm đối với nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý; đặc biệt là khẩu phần canxi thấp trường diễn của người Việt Nam.
Khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đã được nhất trí cao của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước như Mỹ và Liên minh châu Âu. Tháng 2/2016, Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế đã đưa ra khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam. Theo đó, sữa và chế phẩm từ sữa được khuyến cáo như một thực phẩm trong khẩu phần hàng ngày với mức tiêu thụ phù hợp với nhu cầu canxi theo tuổi và tình trạng sinh lý.
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm được tính theo đơn vị sữa (một đơn vị sữa tương đương với 100mg canxi). Cụ thể, từ 3-5 tuổi: 4 đơn vị sữa/ngày; 6-7 tuổi: 4,5 đơn vị sữa/ngày; 8-9 tuổi: 5 đơn vị sữa/ngày; 10-19 tuổi: 6 đơn vị sữa/ngày; 20-49 tuổi: 3 đơn vị sữa/ngày; 50-69 tuổi: 3.5 đơn vị sữa/ngày; ≥ 70 tuổi: 4 đơn vị sữa/ngày; Phụ nữ có thai: 6 đơn vị sữa/ngày và bà mẹ cho con bú cần tiêu thụ 6,5 đơn vị sữa/ngày.