Sức cuốn hút của một cuốn sách về trận chiến Stalingrad
Bản tiếng Việt dày hơn 500 trang đã có mặt tại nhiều nhà sách trên toàn quốc.
Cuốn sách “Stalingrad – Trận chiến định mệnh” vừa được Công ty CP sách Omega ra mắt bản tiếng Việt, do dịch giả Trịnh Huy Ninh chuyển ngữ.
Tác giả Antony Beevor có lợi thế hơn nhiều sử gia và tác giả khác vì tiếp cận được kho tư liệu mật của Liên Xô cũ. Tác giả hóa thân thành một phóng viên chiến trường và thuật lại hành xử của con người ở cả hai phe.
Tác giả đã khắc họa sự khốc liệt nơi chiến trường Stalingrad. Mỗi chương, mỗi phần là những cảnh quay chân thực đến rợn người. Cảnh đổ nát hoang tàn sau một trận đánh.
Giữa khung cảnh tàn nhẫn của chiến tranh vẫn le lói những câu chuyện cảm động. Nỗi nhớ quê nhà da diết của những người lính hai chiến tuyến trong thời khắc đối diện với cái chết. Những bức thư không giấu được nỗi tuyệt vọng đắng cay dù bị cơ quan kiểm duyệt cắt xén. Giữa hàng ngàn cuốn sách viết về Thế chiến II, sức hút của Stalingrad – Trận chiến định mệnh là ở nốt trầm đặc biệt đó. Không mô tả trận chiến như một bản anh hùng ca, không ngợi ca, không tô vẽ, không tập trung quá nhiều vào những khía cạnh bề nổi. Nhân vật chính không phải là phe Đức Quốc xã, cũng không phải phe Hồng quân Liên Xô, mà là con người.
Cuốn sách vẽ nên một bức tranh lịch sử về trận đánh vĩ đại bậc nhất thế kỷ XX với âm hưởng chủ đạo là tính nhân văn chạm đến góc sâu nhất của lòng người.
Một cuốn sách chân thực và thảm khốc về chiến tranh như thế đồng thời cũng là một cách đặt vấn đề nghiêm túc về hòa bình cho nhân loại.
Đánh giá về cuốn sách này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga cho rằng: “Khi tái hiện Thế chiến II, một trong những sự kiện lịch sử trọng yếu quyết định nên diện mạo mới của thế kỷ XX, sử gia người Anh Antony Beevor đã có một cách tiếp cận thông minh và độc đáo: Ông đã chọn tái hiện trận Stalingrad, trận chiến có ý nghĩa chiến lược đặc biệt với ý nghĩa như một tấm bản lề khép mở hai giai đoạn của cuộc Thế chiến, thậm chí còn được xem là bước ngoặt của nền quân sự thế giới thế kỷ XX”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, điểm đặc biệt thứ hai làm nên giá trị đặc sắc của tác phẩm sử học này giữa muôn vàn tác phẩm về Thế chiến II đó chính là góc nhìn. Việc đặt góc nhìn từ chính người trong cuộc đã mang đến cách quan sát đa chiều đầy tính nhân văn, cảm động và vì thế hết sức sâu sắc về sự kiện lịch sử kinh điển của thế kỷ này.