Sức ép rác thải sinh hoạt đô thị ngày càng tăng
Áp lực từ rác thải sinh hoạt
Ước tính lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố là 6.500 tấn/ngày. Hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm thành phố là 100%, các huyện ngoại thành là 88 - 89%.
Hiện tại, chất thải rắn sinh hoạt từ khu vực đô thị và nông thôn được phân luồng, xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (từ 12 quận và 5 huyện gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn), khối lượng trung bình 4.500 - 4.700 tấn/ngày); Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (12 huyện và thị xã Sơn Tây, khối lượng trung bình khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày).
Mặc dù thành phố đã đầu tư nhiều khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Cụ thể tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện) chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom.
Do lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nên thời gian gần đây tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải. Cụ thể, hơn một tuần qua, trên nhiều tuyến phố ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tràn ngập rác thải. Rác chất đống trên vỉa hè, đầu ngõ bốc mùi hôi thối. Nhiều hộ dân ở mặt đường phải dùng các tấm bạt phủ lên đống rác để ngăn mùi. Một số gia đình tự bỏ tiền thuê người dọn rác tập kết trước cửa nhà.
Rác thải ùn ứ trên địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) |
Liên quan đến việc ùn ứ rác thải trên địa bàn phường Yên Phụ, ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: "Những ngày qua rác thải không được thu dọn, ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trên địa bàn, nếu tình trạng này kéo dài thậm chí còn trở thành vấn đề trật tự xã hội".
Theo ông Sáng, đây không phải lần đầu xảy ra việc ùn ứ rác, nên phường đã có văn bản báo cáo quận, đề nghị lựa chọn đơn vị thu gom rác có năng lực, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.
Tương tự tại quận Nam Từ Liêm, hàng chục xe rác bốc mùi ùn ứ ở điểm tập kết trên đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn gây mất mĩ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Bài toán” không dễ giải quyết
Với lượng rác thải ngày càng tăng và ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, vấn đề xử lý rác thải đã, đang và sẽ là “bài toán” không dễ giải quyết. Từ thực trạng rác thải nông thôn Hà Nội cho thấy không thể mang rác đi chôn mãi trong khi các bãi chôn lấp đã kín, nhà máy quá tải.
Rác thải phải được xử lý tập trung hoặc xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, biến thành nguồn lợi cho xã hội. Bởi phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn. Với Hà Nội, đây không phải là giải pháp lâu dài, vì mật độ dân cư lớn, quỹ đất ít.
Để hạn chế ảnh hưởng từ xử lý chôn lấp, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp: cải tiến, đổi mới phương pháp chôn lấp, hạn chế phát sinh mùi, ô nhiễm nước rác, hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, đền bù, hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường... đồng thời chú trọng đầu tư công nghệ xử lý rác.
Vấn đề xử lý rác thải đã, đang và sẽ là “bài toán” không dễ giải quyết |
Hiện Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải được quy hoạch, 8 khu hiện hữu đã và đang được nâng cấp, mở rộng, 4 khu đã và đang được đầu tư xây dựng mới. Trong đó thành phố đã tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp 2 khu xử lý có quy mô lớn, trọng điểm là khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Xuân Sơn.
Tại khu xử lý chất thải Nam Sơn, theo quy hoạch tổng diện tích 280 ha, công suất đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày; Năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày. Tại khu xử lý cũng đang triển khai xây dựng dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, hiện đang được triển khai thi công, dự kiến tháng 12/2020 vận hành thử nghiệm.
Còn tại khu xử lý chất thải Xuân Sơn, dự án nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện, hiện đang thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo công nghệ đốt rác phát điện, nâng công suất lên 1.500 tấn/ngày, đêm. Cùng đó, Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất tối đa 250 tấn/ngày đêm đang vận hành công suất khoảng 160 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại cũng cần có giải pháp thực hiện sớm việc phân loại rác tại nguồn. Bởi để khâu xử lý rác hiệu quả, dù với công nghệ nào, việc phân loại rác đều giữ vai trò quan trọng.
Theo ước tính sơ bộ, lượng rác thải hiện nay ở Hà Nội khoảng 35 - 40% là rác hữu cơ dễ phân hủy (các loại thực phẩm đã hỏng hoặc thừa, vỏ trái cây...); 30 - 35% là rác có thể tái chế để sử dụng lại như giấy, carton, kim loại (khung sắt, máy móc, thiết bị hỏng...), các loại nhựa... Còn lại khoảng 25 - 35% là các loại rác không tái chế là phần thải bỏ, cần chôn lấp.
Như vậy nếu có sự phân loại rác thải tại nguồn thì lượng rác thải đi xử lý chỉ còn khoảng 25 - 35% tổng số lượng rác thải hiện nay sẽ giảm tải quy mô cũng như ô nhiễm môi trường từ chất thải hữu cơ của các khu xử lý rác thải tập trung.
Việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng, việc xử lý, tái tạo chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ là nguồn tài nguyên vô cùng lớn giúp cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn của nền nông nghiệp sạch, hữu cơ của Thủ đô. Bên cạnh đó, việc tận dụng rác thải tái chế bằng công nghệ thân thiện với môi trường góp phần tạo ra sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.