Suýt mất mạng do uống nhầm thuốc điều trị đái tháo đường
Cụ thể, cụ bà M (85 tuổi) đã bị tăng huyết áp 20 năm, bệnh nhân vẫn uống thuốc đều theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ do con trai là anh T cho uống.
Khi anh T đi vắng, bệnh nhân được một người con khác chăm sóc, trong thời gian này do nhầm lẫn bệnh nhân đã được cho người chăm sóc cho dùng thuốc điều trị đái tháo đường (gồm: Glucosephage XR, Janumet, Diamicron MR, Fenosup, Philiver) 3 ngày liên tiếp.
Cụ bà M nhập viên do người chăm sóc cho uống nhầm thuốc điều trị đái tháo đường của con trai |
Bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, hỏi không trả lời và được cho nhập viện gần nhà - với chỉ số đường máu lúc nhập viện là 1,1 mmol/l.
Sau nửa ngày điều trị bệnh nhân có triệu chứng co giật toàn thân, lơ mơ, hỏi không đáp, phản ứng chậm nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Khi nhập viện đường máu máu mạch của bệnh nhân chỉ là 1,3 mmol/l.
Các bác sỹ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã cấp cứu kịp thời, truyền Glucose tĩnh mạch 30% và 5% theo phác đồ. Trong ngày đầu điều trị đường máu vẫn liên tục ở mức thấp, xấp xỉ 2 mmol/l, sau điều trị tích cực đường máu đã về mức ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện rõ ràng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bình thường uống thuốc trị đái tháo đường sẽ gây hạ đường huyết kéo dài, trường hợp nặng có thể gây biến chứng suy gan, suy thận cấp, thậm chí suy đa cơ quan, dễ dẫn đến tử vong hoặc di chứng về sau. Vì vậy, khuyến cáo người bệnh cần kiểm tra kỹ thuốc trước khi sử dụng.
Bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường dẫn đến nôn mửa, nhiễm toan ceton, đường máu tăng cao |
Trước đó, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận một ca mắc đái tháo đường tự ý bỏ thuốc điều trị dẫn đến nôn mửa, nhiễm toan ceton, đường máu tăng cao.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.Q.V (36 tuổi ở Hà Nội) được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 được 5 năm. Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin.
Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng. Hậu quả là sau 3 ngày bỏ thuốc bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2011, bệnh nhân mắc đái tháo đường để đạt được mục tiêu điều trị cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: Chế độ sử dụng thuốc; Chế độ ăn uống; Thay đổi thói quen sống; Kiểm soát đường huyết; Khám sức khỏe định kỳ.
Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như: Hạ đường huyết; Nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton; Hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton; Hôn mê nhiễm toan lactic; Các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như: Biến chứng thần kinh; Loét chân và đoạn chi; Biến chứng tim mạch; Biến chứng suy thận; Biến chứng mắt; Suy giảm nhận thức.
Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.