Tác giả Nguyệt: “Mượn chuyện trẻ con để nói chuyện người lớn”
![]() |
(TTTĐ) “Ngày hôm qua nghịch dại tôi vùi que diêm quẹt mãi mới cháy vào đống rơm sau nhà. Khói mịt mù theo tiếng cười thích thú của lũ tôi, những đứa trẻ chẳng muốn lớn bao giờ. Đêm đó nằm im trên phản gỗ chịu ba roi của bố chỉ biết nghiến răng và thâm than thở: Bố ơi, lần sau con chừa. Ngày lớn lên, đôi lần ngoảnh lại những ấu thơ đã trôi tận phương nào. Ngày lớn lên chỉ có tiếc và nhớ. Trong giấc mơ tôi vẫn gặp cánh diều bay trên cánh đồng tuổi nhỏ. Để chợt gọi khi giật mình thức dậy: Này thơ dại, bước chậm lại đi”. Đó là tâm sự của “Nguyệt” trong cuốn sách “Này thơ dại, bước chậm lại đi” mà bất cứ ai khi đọc cũng sẽ thấy bóng dáng tuổi thơ của mình.
Nguyệt tên thật Lê Thị Thúy Nga, sinh năm 1992, hiện đang làm trong lĩnh vực sách tại Hà Nội.
Tâm sự trong buổi giao lưu, ra mắt sách tại cafe The Booksquare, số 12 Hòa Mã, Hà Nội sáng 9/7, Nguyệt đã hết sức chân thành khi nói về ý định viết lách của mình: “Ngay từ đầu khi viết sách mình đã thích dòng sách thiếu nhi vì mình thích trẻ con. Mình cũng là người không bon chen nên nếu bảo mình viết truyện của người lớn thì mình sẽ không biết viết vì cuộc sống của người lớn quá phức tạp. Tuy vậy, dù viết sách cho trẻ con nhưng các bạn sẽ nhận ra trong cuốn sách của mình mượn chuyện trẻ con để nói chuyện người lớn”.
![]() |
Tác giả Nguyệt (bên phải) trong buổi giao lưu
Bắt đầu viết từ năm 2013, khi đang học năm thứ 4 đại học, thời gian hoàn thành cuốn sách khoảng một năm nhưng có những lúc gián đoạn vì Nguyệt bận làmkhóa luận tốt nghiệp. Tùy theo cảm hứng, có những hôm Nguyệt viết được 10 trang giấy nhưng cũng có những hôm ngồi đến ba giờ sáng mà chẳng được chữ nào.
Mỗi nhân vật được Nguyệt xây dựng theo những nguyên mẫu ngoài đời thực, từ những người xung quanh của mình, cóp nhặt mỗi người một chút để tạo nên tính cách đa dạng, điển hình và có những điểm nhấn riêng. Chẳng hạn như cậu bé Đẹt thì nguyên mẫu từ chính em trai đang học lớp 7 của Nguyệt, rất to cao và ham ăn. Câu chuyện trong tác phẩm cũng là những kỉ niệm hết sức hồn nhiên, tinh nghịch, thậm chí cả nghịch dại thời thơ bé của tác giả như trốn vé đi xem các cô người mẫu cao gầy lêu đêu ở “Mô- đe hội chợ” hay “Thơm lừng là hạt mít luộc”, “Vịt giời thì lùa hết ra đồng”, “Phi vụ ném bàng”… Vì thế, những câu chuyện vừa thấm đẫm kỉ niệm, lại như là sự ngoái lại, tiếc nuối khi nhìn về tuổi thơ đã vùn vụt trôi qua, dù có cố níu kéo rằng “bước chậm lại đi” thì nó vẫn chỉ là kí ức.
Mở đầu bằng tiếng trống trường giòn giã buổi học cuối năm và kết thúc bằng tiếng pháo đùng đoàng sau khoảnh khắc giao thừa, đó là bối cảnh không gian, thời gian xuyên suốt 22 mẩu truyện ngắn của Này thơ dại, bước chậm lại đi (Hoàng Bookstore và Nhà xuất bản Hội nhà văn liên kết ấn hành), câu chuyện về cuộc sống đa sắc màu của cậu bé Cò 8 tuổi – nhân vật xưng “tôi” trong câu chuyện. Nơi đó là một vùng quê Bắc Bộ mộc mạc, yên bình. 22 câu chuyện là 22 bức tranh sống động, dung dị, khắc họa rõ nét cuộc sống nông thôn Việt Nam sau lũy tre làng thông qua những mẩu chuyện hài hước, vui nhộn nhưng cũng không kém phần lắng đọng, sâu xa về chuyện lớp, chuyện trường, chuyện nhà, chuyện bạn của cậu bé Cò.
Phiêu cùng những con chữ, người đọc dường như dập dềnh trên một con thuyền độc mộc ngoài khơi xa mà những con sóng nhấp nhô chính là những cung bậc cảm xúc đa chiều, lúc dâng lên cao tít trong tiếng cười hồn nhiên, trong vắt, lúc hạ xuống tưởng chừng chạm đến đáy đại dương như những nỗi đau thầm kín bao đời không thể ngỏ…
Ta cười nghiêng ngả trước những trò đùa tinh quái của Cò và bốn cậu bạn thân Còi, Tí, Bủm, Đẹt: một trưa hè trốn ngủ dang nắng lội ruộng, đôi cánh diều chao nghiêng trên nền trời xanh thẳm lãng đãng mây, con đường làng um khói rơm vì một mồi lửa tai quái của mấy thằng nhóc tuổi tắm mưa cởi truồng.
Ta thả hồn bình yên vào những cánh đồng bát ngát; trong tán lá sung xanh rì, lấp ló sắc đỏ nẫu của trái sung chín bên bờ ao; giữa đồng cỏ êm mơn man một chiều hè gió lộng ngửa cổ lên ngắm trời mây cao vời vợi.
Ta thấy sực cay nơi sống mũi bởi làn khói thơm từ bát cháo lươn chị Hồng nấu cho Cò ốm bệnh, bởi cái dáng cuống quýt đến tội nghiệp của Cò khi nhìn cô em gái út quần áo lấm lem, má đầm đìa nước mắt; bởi nhịp chân sáo vui tươi của cậu bé Tí khi cầm trên tay gói kẹo bạc hà mang về cho bà ngoại. Tình thân gia đình, trong khoảnh khắc, bỗng thân thương như máu thịt!
Thế rồi, ta những tưởng muốn bật khóc trong giây phút ánh mắt chú chó Bim đau đáu nhìn, cái nhìn trâng trối thay lời vĩnh biệt dành cho cậu chủ Cò, dành cho quãng ngày chủ tớ nô đùa hạnh phúc bên nhau; để rồi căm phẫn trước cảnh tượng những chú chó thui vàng ruộm treo lủng lẳng, tiếng cười khanh khách của khách nhậu đêm khuya và những giọt nước mắt thổn thức, đớn đau đến tột cùng của những người trót nặng lòng với những người bạn bốn chân yêu dấu.
Lật trang giấy khác để kìm nén cảm xúc, mắt ta lại nhòe đi trước khuôn mặt đầm đìa nước mắt của bé Bông khi ngước lên, lạc giọng nhìn bố: Con không biết bơi, con không phải vịt giời, bố đừng lùa con ra đồng bố nhé! - thương thay số phận của những bé gái trong gia đình, những gia đình bị kìm kẹp giữa xã hội định kiến Trọng nam khinh nữ - Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, bao đời vẫn không thể phá bỏ.
Nén chẳng đặng, nước mắt bất đồ đã tuôn, cảnh tượng bác Cả mắt nhìn trăn trối, bác Châu đổ gục xuống, ôm chầm lấy đứa con mà khóc, ta dậy lên trong lòng nỗi xót thương thân phận bé mọn của người phụ nữ sau lũy tre làng, sống một quãng đời nhẫn nhục, lặng câm “Cái im lặng nhẫn nhục như hàng nghìn, hàng vạn cái im lặng trải bao đời nay của những người phụ nữ thấp cổ bé họng sau lũy tre làng. Hai người cúi mặt vào rổ hạt mít, tưởng như cuộc đời họ cũng chỉ khép hẹp vừa miệng rổ, với dăm ba câu chuyện đời bé mọn, nhỏ nhoi và đơn điệu như mấy hạt mít đang lăn lông lốc kia.”
Khép lại trang giấy, tim ta chợt hẫng một nhịp, tuổi thơ cất giữ nơi đáy trái tim ùa về với bao nỗi hoài niệm bâng khuâng về một thời quá vãng trong lành như sương mai; rồi lắng lòng mình, chợt bồi hồi không nói nên câu, bao sự đời sâu kín ẩn hiện, cồn cào trong tâm trí. Tuổi thơ đã qua, những tưởng sẽ không bao giờ có thể trở lại giờ như hiện hữu ngay trước mắt, níu ta đắm chìm trong những hoài niệm một thuở đã xa.
Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người, đâu đó một ngày ta bắt gặp hình ảnh cánh cò, con diều hay tiếng cười giòn tan ùa vào nắng sớm của những cô bé cậu bé, những thương yêu, giận hờn của cái thuở ngốc xít đáng yêu; để rồi, bất giác ta chợt gọi thầm: Này thơ dại, bước chậm lại đi…
Ngọc Hân
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cầu nối để nhiều du khách quốc tế biết đến di sản của Hà Nội

Vùng 5 Hải quân trưng bày ảnh “Tự hào người chiến sĩ Hải quân”

Rộn ràng đêm nhạc chào mừng thành lập phường Sơn Tây

Kiều Vũ được Nguyễn Minh Tuấn "chọn mặt gửi vàng" kết màn show diễn

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản

Show diễn thời trang “Bước ra từ cổ tích” chinh phục khán giả nhí

Tổng Bí thư Tô Lâm dự giao lưu nghệ thuật “Khắc ghi lời Bác - vang nhịp quân hành”

Kiến tạo văn hóa, văn minh, hiện đại từ đổi mới và sáng tạo

Sáng tạo, đổi mới xây dựng văn hóa Thủ đô văn minh, hiện đại
