Tái chế vì một thế giới xanh hơn từ những miếng vải vụn
Những mảnh vải vụn tưởng chừng như vô giá trị dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ khuyết tật đã trở thành những sản phẩm hữu ích |
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, trong quá trình sản xuất, các xưởng may đã thải ra một khối lượng lớn chất thải rắn công nghiệp với thành phần chủ yếu là vải vụn. Bài toán để xử lý chất thải công nghiệp vải vụn từ các xưởng dệt may vẫn chỉ đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp và trở thành mối nguy hại đe dọa đến môi trường.
Tái chế vì một thế giới xanh hơn
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tái chế vải vụn, năm 2018, chị Mai Thị Dung (trú tại 76 Võ Trường Toản, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và Hòa nhập cộng đồng (CORMIS) trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng.
Trung tâm được thành lập với mục tiêu giúp đỡ những phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện các hoạt động mang ý nghĩa xã hội... đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Một trong những công việc nổi bật của các thành viên tại trung tâm là tái chế các lại vải phế thải chất lượng cao từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Dưới bàn tay khéo léo, những phụ nữ khuyết tật đã sáng tạo may vá thành các sản phẩm như: Khăn tay, túi vải, quần áo, túi xách, túi đựng laptop, dây buộc tóc, vỏ gối…
Chị Mai Thị Dung- Giám đốc Trung tâm CORMIS (ngoài cùng bên trái) chia sẻ, việc thu gom vải vụn và may vá thành sản phẩm có giá trị đã giúp chị em khuyết tật ở miền Trung nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường |
Sản phẩm mà những người phụ nữ khuyết tật ở Trung tâm CORMIS làm ra không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn mang tính sáng tạo và độc đáo |
Để có nguồn nguyên liệu duy trì hoạt động lâu dài, chị Dung tìm đến các xưởng may và các công ty may mặc ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam để gom vải thừa.
Sản phẩm mà những người phụ nữ khuyết tật ở Trung tâm CORMIS làm ra không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn mang tính sáng tạo và độc đáo.
Họ đã sử dụng sự khéo léo của đôi tay cùng óc sáng tạo của mình, để biến vải vụn tưởng chừng như vô giá trị thành những sản phẩm có giá trị sử dụng cao và tinh tế từ sự phối hợp màu sắc đến đường may sắc sảo.
Với sự khéo léo của đôi tay cùng óc sáng tạo của mình, họ đã biến những mảnh vải vụn tưởng chừng như vô giá trị thành những sản phẩm có giá trị sử dụng cao và đầy tinh tế |
Chị Mai Thị Dung - Giám đốc Trung tâm CORMIS chia sẻ, việc thu gom vải vụn và may vá thành sản phẩm có giá trị xuất phát từ dự án "Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc". Công việc này đã giúp chị em khuyết tật ở các tỉnh, thành miền Trung nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Họ thấy việc bảo vệ môi trường là công việc nặng nhọc và không có khả năng tham gia. Tuy nhiên, sau khi tham gia "Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc" bằng khả năng của mình, họ nhận ra bản thân đang tham gia bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc tái chế đã gắn kết các bên liên quan như: Thời trang, giới họa sĩ, sinh viên các trường đại học... cùng tham gia.
"Tái chế rác thải là trách nhiệm của cộng đồng không chỉ riêng chị em phụ nữ khuyết tật. Đối với nhóm, ngoài việc tăng thu nhập, họ còn tăng kỹ năng làm việc tập thể, mang lại niềm vui. Đây chính là giá trị cốt lõi mà trung tâm đề ra ban đầu", chị Mai Thị Dung cho hay.
Các sinh viên Nhật Bản trải nghiệm hoạt động tái chế tại Trung tâm CORMIS |
Cũng theo chị Dung, tái chế giúp tiếp nối vòng đời của rác thải góp phần bảo vệ môi trường nên những nơi chúng tôi đến đặt vấn đề về nguyên liệu đều ủng hộ nhiệt tình. Hiện, nhiều chị em khuyết tật mong muốn tham gia vào dự án tái chế của Trung tâm CORMIS .
Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, sắp tới, chúng tôi gom vải và các vật liệu có thể tái chế ở nhiều nơi khác. Đồng thời, chúng tôi hy vọng, các doanh nghiệp, cửa hàng bán đồ lưu niệm sẽ đồng hành, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho chị em.
Niềm hạnh phúc của những phụ nữ khuyết tật
Thành công lớn nhất của Trung tâm CORMIS đến hiện tại có lẽ là niềm hạnh phúc của mỗi thành viên. Niềm hạnh phúc đó được thể hiện ngay ở nụ cười trên môi các chị em, phụ nữ khuyết tật.
Tại đây, họ không những tìm được việc làm, mà còn trở nên tự tin hơn, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, làm những điều trước đó mà bản thân họ chưa hề nghĩ đến.
Chị Phan Thị Hồng Nga, thành viên của Trung tâm CORMIS, cho biết, chị rất vui và hạnh phúc khi được gặp những người có cùng hoàn cảnh tại trung tâm.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tự tay làm ra sản phẩm giá trị từ những mảnh vải vụn. Đặc biệt, khi những sản phẩm của chị em phụ nữ khuyết tật được đón nhận, tôi thấy mình sống có ích hơn”, chị Nga chia sẻ.
Đến Trung tâm CORMIS, những người phụ nữ khuyết tật không những tìm được việc làm mà trở nên tự tin hơn, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, làm những điều trước đó mà bản thân họ chưa hề nghĩ đến |
Những phụ nữ khuyết tật tại Trung tâm CORMIS không những được trao sinh kế bền vững, hướng dẫn các kỹ năng sống hạnh phúc và tích cực mà còn giúp nhiều phụ nữ yếu thế tự tin hòa nhập để vươn lên trong cuộc sống.
Chị Dung cho rằng, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho những phụ nữ ở trung tâm còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, trung tâm tạo việc làm ổn định, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, các kỹ năng cộng đồng, hòa nhập… chứ không đơn giản chỉ là những gói hỗ trợ kinh phí hoặc phần quà.
Ngoài việc trao sinh kế bền vững, Trung tâm CORMIS còn chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm trí, tạo điều kiện cho phụ nữ khuyết tật giao lưu, gặp gỡ thông qua các hoạt động cộng đồng. Mới đây, trung tâm tổ chức thành công buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế hưởng ứng giờ Trái Đất tại thành phố Hội An. Người mẫu tham gia trình diễn chính là những phụ nữ khuyết tật.
Trung Tâm CORMIS tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế hưởng ứng giờ Trái Đất tại thành phố Hội An |
Sau khi tham gia buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế tại thành phố Hội An, chị Đặng Thị Bé (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Đây là trải nghiệm thú vị với tôi cũng như các chị em. Được khoác lên mình bộ áo dài tái chế do mình thiết kế và trình diễn, tôi rất tự tin. Thông qua sự kiện này, tôi mong muốn truyền cảm hứng về công việc tái chế, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người”.
Được biết, bên cạnh công việc tái chế vải vụn, Trung tâm CORMIS còn tổ chức nhiều buổi workshop, lớp học kỹ năng với các chuyên gia tâm lý, giảng viên về sức khỏe tâm trí, huấn luyện viên yoga, thiền…
Chị Đặng Thị Bé (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) |
Là thành viên thường xuyên tham gia các hoạt động, chị Đặng Thị Nở (ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi tham gia các hoạt động tâm trí tại Trung tâm CORMIS tôi cảm thấy rất vui, sảng khoái, thú vị. Tôi nhận thấy cơ thể mình khỏe hơn, mọi đau nhức trong người như tan biến. Do vậy, tôi muốn lan tỏa hoạt động này đến nhiều người”.
Chia sẻ về mong muốn của mình, các chị em tại trung tâm hy vọng có thể phát triển dự án quy mô lớn hơn, tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật; đồng thời, xây dựng một cộng đồng yêu thích tái chế đồ thủ công để hạn chế vải vụn thải ra môi trường; góp phần hướng đến tiêu dùng xanh và truyền cảm hứng sáng tạo đến với cộng đồng.
Bên cạnh công việc tái chế vải vụn, Trung tâm CORMIS còn tổ chức nhiều hoạt động khác nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật giao lưu, gặp gỡ thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng |
Trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người hãy phân loại rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm, giải pháp thân thiện với môi trường; giảm thiểu sử dụng các loại nhựa dùng một lần. Đồng thời, cộng đồng nên tái chế các sản phẩm cũ thành các sản phẩm hữu ích trong đời sống hàng ngày. Đó chính là hành động thiết thực, góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, ngăn ngừa, hạn chế việc phát sinh chất thải ra môi trường. |