Tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhà nước: Muốn thành công cần phải có quyết tâm
TTTĐ - Năm 2017, Đề án Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ. Với đề án này, nhiều ý kiến cho rằng, muốn thành công phải có quyết tâm chính trị…
Theo Dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng đến năm 2020 là sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Riêng với các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị liên quan trình Đề án Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các ngân hàng này.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, thống nhất của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo là nhân tố quyết định, là yếu tố cốt lõi tạo dựng mục tiêu và chiến lược lâu dài, tạo dựng năng lực và thành công cho quá trình phát triển của cả hệ thống. Bên cạnh đó, phải phát huy mạnh mẽ nội lực của cả hệ thống bởi sự đổi mới cần phải được bắt đầu từ chính mỗi cán bộ, Đảng viên, người lao động.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới, ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là trụ cột của hệ thống. Tuy nhiên, để cạnh tranh, các ngân hàng này cần tăng mạnh vốn. Muốn vậy, cần có quyết tâm chính trị lớn để thoái bớt vốn nhà nước tại nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất.
Thực tế, thời gian qua, VietinBank, Vietcombank và BIDV đều kiến nghị Chính phủ nới room mạnh cho khối ngoại hơn nữa, trong khi Agribank cũng mong sớm được cổ phần hóa.
Ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị, Chính phủ cần xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước xuống 51% để các ngân hàng thương mại chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường. Đồng thời, xây dựng 1 - 2 ngân hàng thương mại trụ cột, có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột cho cả hệ thống, tạo điều kiện để các ngân hàng này tham gia mua bán, sáp nhập với các tổ chức tín dụng phù hợp, tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành riêng lẻ...
Được biết, trong Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giải pháp là, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần về mức trên 65%, cổ phần hóa Agribank…
Diễm Quỳnh