Tạm dừng hoạt động hai nhà máy thủy điện ở Hà Giang do mưa lũ
Thiệt hại nặng nề
Từ đêm 19/7 đến rạng sáng ngày 21/7/2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa tính đến 9h ngày 21/7/2020 tại Thuận Hòa, Vị Xuyên 202mm; TP Hà Giang 322mm; Thượng Sơn, Vị Xuyên 266mm; Cao Bồ Vị Xuyên 349mm, Tân Tiến, Hoàng Su Phì 96mm, Mèo Vạc 88mm; các trạm còn lại lượng mưa từ 30-50mm.
Trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với tỉnh Hà Giang, trong đó 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc là nhà máy Thủy điện Thuận Hòa ở huyện Vị Xuyên và nhà máy thủy điện Thái An ở huyện Quản Bạ.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Sở Công thương Hà Giang đã kiểm tra tình hình thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên Sông Miện, Sông Lô. Nhà máy thủy điện Sông Lô 2 và Sông Lô 4 đã mở toàn bộ các cửa xả.
Trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Hà Giang khiến hai nhà máy thủy điện Thái An (Quản Bạ) và Thuận Hòa (Vị Xuyên) bị thiệt hại nặng nề |
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên Sông Miện và Sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên Sông Miện, Sông Lô. Sở cũng yêu cầu khi xả lũ, các nhà máy thủy điện phải có thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ngày 22/7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn đã đến Hà Giang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ. Trước đó Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cử 1 đoàn công tác tới Hà Giang ngay trong ngày 21/7.
Trong sáng 22/7 đoàn công tác đã trực tiếp đến hiện trường đánh giá tình hình thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, triển khai các biện pháp cấp thiết để giảm thiểu các rủi ro trong khi diễn biến thiên tai còn rất phức tạp. Đoàn đã đến thị sát trực tiếp tại nhà máy thủy điện Thái An để đánh giá mức độ thiệt hại nặng nề mà trận mưa lũ này gây ra.
Tổng thiệt hại về kinh tế tại hai nhà máy này lên tới 370 tỷ đồng |
Tại thực địa, dấu vết của trận lũ ống kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An khiến nhà máy này dừng hoạt động. Cả “dòng thác” đá trong đó có những hòn đá rất to vẫn ngổn ngang phủ kín đường đi, sân và tràn cả vào trong lòng nhà máy. Trong nhà điều hành, bùn, nước và cả đá nhỏ, đá to cũng vẫn án ngữ. Phía bên ngoài dòng nước vẫn ào ào dồn xuống từ phía trên núi.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trận mưa lịch sử khiến nhà máy thủy điện Thái An thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng. Nhà máy thủy điện Thái An được xây dựng trên sông Miện, đoạn qua bản Nậm Luông, xã Thái An, huyện Quản Bạ có công suất 82 MW với 2 tổ máy, sản lượng hàng năm gần 400 triệu kWh, với doanh thu gần 300 tỷ đồng. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2008, hoàn thành tháng 9/2010.
Cùng với thủy điện Thái An, nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) cũng phải tạm dừng hoạt động do bị đất đá vùi lấp trong trận mưa lớn sáng 21/7. Tổng thiệt hại về kinh tế tại 2 nhà máy này lên tới 370 tỷ đồng.
Nghiêm túc triển khai các phương án phòng chống thiên tai
Trong cuộc họp giữa đoàn công tác và tỉnh Hà Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã nhận định đây là trận mưa lũ đặc biệt, vượt mốc kỉ lục năm 1961. Rất may công tác dự báo và chỉ đạo của tỉnh Hà Giang đã kịp thời và quyết liệt nếu không thiệt hại còn xảy ra nặng nề hơn.
Đồng chí Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các yêu cầu tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra đợt mưa lũ tiếp theo.
Trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với tỉnh Hà Giang |
Trong đó, các địa phương cần rà soát, xử lý những nơi ở mất an toàn; chủ động trong việc huy động nguồn lực trong tình huống khẩn cấp; Khẩn trương cử lực lượng, huy động lực lượng xung kích kiểm tra các ngầm tràn khe suối, các nơi có khả năng, canh gác, báo hiệu các nơi không an toàn. Kiểm tra, rà soát các điều kiện vận hành xả lũ, phương án đảm bảo an toàn đập và hạ du, đặc biệt với các hồ thủy điện nhỏ và hồ thủy lợi xung yếu.
Bên cạnh đó cũng phải tăng cường thông tin truyền thông nâng cao ý thức người dân với rủi ro thiên tai; Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời khai thác dữ liệu hiệu quả, tham mưu các kịch bản phương án ứng phó mọi lực lượng.
Về lâu dài, đồng chí Trần Quang Hoài đề nghị khi thẩm định các dự án luôn chú ý đến các yếu tố về phòng chống thiên tai, điều này đã được quy định trong luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Sở Công thương làm việc với các nhà máy thủy điện, khắc phục để sớm đưa vào vận hành an toàn.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn đã đến Hà Giang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ |
Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hậu quả thiên tai gây ra đối với tỉnh Hà Giang là rất lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách, bố trí kinh phí của tỉnh cho công tác khắc phục hậu quả. Do đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng và khôi phục sản xuất.
Mặc dù Chính phủ quy định các địa phương chủ động kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai nhưng do Hà Giang là tỉnh khó khăn, thiệt hại của các doanh nghiệp là khá lớn. Do đó, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ cho các nhà máy thủy điện này, giúp các doanh nghiệp khắc phục để sớm phát điện trở lại.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Hoài đã chia sẻ những khó khăn với tỉnh trong công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và hướng dẫn Hà Giang làm đề xuất, kiến nghị để Chính phủ giải quyết.