Tân sinh viên có nên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm?
Tân sinh viên có phải là "tỷ phú thời gian"? Tân sinh viên và những cạm bẫy “giấc mộng màu hồng” “Bồ câu xanh” chuyển hồ sơ nhập học cho tân sinh viên |
Đi làm sớm, nên hay không?
Trước câu hỏi: “Năm thứ nhất đã nên đi làm chưa?”, rất nhiều ý kiến cho rằng là có, sinh viên trải nghiệm càng sớm càng tốt. Bởi vì trải nghiệm là thứ dù có tiền cũng không mua được, mỗi người phải bỏ thời gian và công sức thì mới có được.
Việc đi làm sớm tạo cơ hội để người trẻ hiểu và quý trọng đồng tiền, từ đó cân đối chi tiêu hợp lý. Thêm vào đó, với khoản thu nhập này, tân sinh viên được thỏa mãn sở thích cá nhân và khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ.
Làm thêm cũng là cách tân sinh viên hòa nhập môi trường sống mới. Các bạn làm quen với phong cách làm việc năng động ở những thành phố lớn, chứng tỏ sự trẻ trung năng động và khả năng thích nghi của mình. Điều này giúp các bạn trẻ trau dồi kinh nghiệm thực tế hằng ngày đóng vai trò quan trọng khi ứng tuyển vào các vị trí sau này.
Nhiều tân sinh viên lựa chọn đi làm thêm vừa tăng thu nhập, vừa tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân (Ảnh minh họa) |
Bạn Nguyễn Thanh Hà, sinh viên năm thứ nhất Đại học Hà Nội chia sẻ khi nhận được thông báo nhà trường sẽ cho đi học trực tiếp, cô đã chủ động lên Hà Nội trước để tìm một công việc làm thêm bán thời gian. Với lợi thế tiếng Trung của mình, cô tân sinh viên đang làm nhân viên partime dịch thuật cho một công ty du học Trung Quốc.
Bạn Thanh Hà cho biết: “Mình may mắn tìm được công việc làm thêm phù hợp, đúng với chuyên ngành học nên cũng xác định rõ hơn định hướng cho bản thân trong tương lai. Với lợi thế biết tiếng Trung, ngay từ những ngày đầu, mình đã có thể hoàn thành các công việc một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng rất năng động. Mình có thể học hỏi và trau dồi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng công việc từ các anh chị đồng nghiệp”.
Cùng quan điểm, bạn Đinh Vân Anh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, bản thân cũng đã “bỏ túi” 2 công việc làm thêm để có thể tự chủ tài chính, giảm bớt gánh lo cho bố mẹ. Vân Anh lựa chọn một công việc làm thêm bán thời gian tại shop quần áo trên đường Cầu Giấy. Vào buổi tối, cô gái năng động này còn đi dạy kèm môn Toán cho học sinh lớp 9,. Công việc gia sư cũng đúng với chuyên ngành học của Vân Anh.
“Mình nghĩ, muốn cân bằng được việc đi làm thêm và học tập thì phải sắp xếp thời gian phù hợp, có kế hoạch chi tiết, không thể đánh đồng đi làm thêm sẽ ảnh hưởng việc học. Mặc dù chỉ là nhân viên bán hàng nhưng mình cũng học hỏi, trau dồi cho bản thân nhiều kỹ năng. Từ việc làm thêm này, mình đỡ rụt rè và tự tin giao tiếp hơn. Mình có thêm kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ trong công việc. Ngoài ra, buổi tối mình còn làm gia sư, việc này cũng giúp ích phần nào đến ngành học”, Vân Anh tâm sự.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sinh viên đi làm thêm cũng là dao hai lưỡi nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng. Bởi, nếu như không biết điều chỉnh một cách hài hòa giữa việc đi học và đi làm thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập. Không có kế hoạch, thời gian biểu cho từng công việc cụ thể thì sinh viên khó có thể hoàn thành tốt chuyện học hành. Thay vì vội vàng tìm việc làm thêm, các bạn sinh viên hãy cho bản thân một khoảng thời gian để thích nghi với cuộc sống mới và cách học ở đại học. Từ đó, các bạn đưa ra kế hoạch cụ thể, học cách sắp xếp thời gian, ưu tiên cho những gì mình lựa chọn.
Ngoài làm thêm... vẫn còn nhiều cách
Không lựa chọn đi làm thêm ngay từ năm đầu, nhiều tân sinh viên lại lựa chọn tham gia các câu lạc bộ tại trường và nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng hoặc đăng ký những khóa học kỹ năng, chứng chỉ ngoại ngữ để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm.
Không ít tân sinh viên tham gia các câu lạc bộ tại trường để học hỏi, trải nghiệm cuộc sống |
Bạn Trần Nhật Hải, sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thay vì lựa chọn đi làm thêm như nhiều bạn trong lớp, Hải lựa chọn đăng ký tham gia câu lạc bộ của trường để giúp bản thân thêm năng động và nhiệt huyết. Ngoài ra, chàng trai trẻ cũng đã đăng ký khóa học ngoại ngữ và thiết kế để phát triển bản thân.
Nhật Hải chia sẻ: “Hiện tại, mình đang là thành viên của câu lạc bộ âm nhạc thuộc Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Câu lạc bộ hội tụ những người có niềm yêu thích và đam mê nghệ thuật, thích gặp gỡ và giao lưu âm nhạc, vũ đạo... Tại đây, mình có cơ hội thể hiện bản thân qua các ngày hội, sự kiện của Hội Sinh viên nhà trường tổ chức với những màn biểu diễn đầy ấn tượng. Mình cũng học hỏi được nhiều thứ, được sống và cháy hết mình, từ đó cuộc sống sinh viên càng thêm ý nghĩa hơn.
Để trau dồi thêm các kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp tương lai, mình cũng đăng ký khóa học về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và một khóa về thiết kế hình ảnh. Mình dự định sang năm thứ 3 mới tìm kiếm việc làm thêm đúng với ngành học. Vì lúc này mình cũng đã thích nghi được với môi trường đại học, đã có thời gian trau dồi, trang bị những kiến thức cần thiết. Thời gian đi làm sẽ giúp mình tích luỹ thêm kỹ năng thực tế để phục vụ cho công việc khi ra trường”.
Quãng đời sinh viên có trải nghiệm ý nghĩa hay không là do bản thân mỗi người. Để tất cả trải nghiệm đều đáng nhớ, tân sinh viên cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Cho dù làm bất cứ việc gì cũng đều phải ưu tiên việc học là trên hết vì nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là học tập, đó cũng chính là tương lai của mình. Chìa khóa thành công luôn nằm trong tay, chúng ta hãy cố gắng nỗ lực để có thể gặt hái được trái ngọt, cuộc sống sinh viên cũng sẽ trở nên ý nghĩa và có nhiều trải nghiệm thú vị hơn.