Tăng cường giao dịch trực tuyến, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết
Kienlongbank triển khai dịch vụ xác thực giao dịch trực tuyến 3D Secure |
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh giải quyết TTHC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp |
Giảm tiếp xúc để phòng chống dịch Covid-19
Trong bối cảnh phòng, chống đại dịch toàn cầu hiện nay, trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và chính những người thực hiện với nhau.
Nắm bắt được chủ trương này của Chính phủ, nhiều địa phương đã tăng cường giao dịch trực tuyến, vừa tránh tiếp xúc, vừa khiến cho thủ tục cần giải quyết của người dân không bị ách tắc, nhiệm vụ của cán bộ Nhà nước vẫn đảm bảo.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh Đỗ Ngọc Nam cho biết: Xác định được rõ tính ưu việt và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong hoàn cảnh thực tế dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến nghị về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến quý I/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh đã tiếp nhận hơn 4.800 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (chiếm khoảng 64% tổng số hồ sơ tiếp nhận). Tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,9%.
Tại Thừa Thiên Huế, trong thời gian cách ly xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành văn bản 2573 /UBND-HCC ngày 31/3/2020 về việc tạm dừng tiếp nhận trực tiếp thủ tục hành chính, chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến hoặc tiếp nhận thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 113.600 hồ sơ, trong đó có 45.716 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, chiếm tỉ lệ hơn 40,23% hồ sơ giao dịch trực tuyến. Trong quý I/2020, lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến tăng 30% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc vận hành Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia một lần nữa cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và DVC. Đáng quan tâm, sau gần 4 tháng triển khai Cổng DVC quốc gia, đến ngày 1/4/2020, đã tích hợp đăng nhập một lần từ Cổng DVC quốc gia tới 13 Bộ, ngành; 63/63 địa phương; 5 tập đoàn, ngân hàng thương mại. Có hơn 103 nghìn tài khoản đăng ký, 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.
Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã chuẩn hóa, công khai 6.982 TTHC, trong đó cắt giảm, bãi bỏ 584 TTHC hết hiệu lực, trùng lặp; xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết TTHC. Nhiều ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp sau khi sử dụng DVC trên Cổng DVC quốc gia đã đánh giá rất cao tính ưu việt của Cổng DVC quốc gia.
Cắt giảm tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết
Bên cạnh tăng cường giao dịch trực tuyến, một trong những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đó chính là cắt giảm tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa theo hướng tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Đặc biệt, những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần phải được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, TTHC giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19” diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nếu lấy cải cách thủ tục hành chính làm trụ cột thì khả năng Việt Nam tăng trưởng hơn 5% không phải là bất khả thi. Lý do là bởi, theo ông, hiện nay doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, do đó, phải coi cải cách thủ tục hành chính là động lực, góp phần đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao niềm tin của doanh nghiệp; giảm chi phí cho cả doanh nghiệp và bộ máy quản lý.
Theo ông Cấn Văn Lực, hiện nay, “chi phí cơ hội” và “chi phí không chính thức” là chi phí quan trọng, tác động mạnh tới doanh nghiệp, nếu thủ tục hành chính nặng nề thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội kinh doanh.
Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP trong đó nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |