Tăng cường hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mới Ngăn tham nhũng từ gốc rễ, củng cố niềm tin trong Nhân dân Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 362/UBND-NC về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại văn bản số 564-CV/TU ngày 8/11/2022 về tăng cường hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Thanh tra Chính phủ; Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được thành phố ban hành về cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền giai đoạn 2021-2025; Đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của thành phố (các chỉ số PAPI, SIPAS, PCI và PAR Index); Chú trọng việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện hiệu quả các chủ đề công tác của thành phố.
Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thành phố yêu cầu thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước về kiểm soát, xử lý xung đột lợi ích; Tiếp tục triển khai thực hiện việc minh bạch hóa các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quy trình thủ tục giải quyết công việc để Nhân dân giám sát, thực hiện.
UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước; Trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước; Thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân theo quy định của Đảng, Luật Tiếp công dân; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; Kịp thời đề xuất, chuyển các vụ việc qua công tác thanh tra có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, tiêu cực sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.