Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
![]() |
Bộ tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường |
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 8/2020, có 155/157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã khắc phục hậu quả, được đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm.
Còn 2 cơ sở (do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép) hiện cũng đã hoàn tất chuyển đổi ngành nghề sản xuất, thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường xem xét đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Trước đây, Đồng Nai đã rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ đó kết luận có 157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 86 cơ sở ở mức độ nghiêm trọng. Ngành chức năng đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.
Các cơ sở nằm trong danh sách “đen” về ô nhiễm ở Đồng Nai hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Khai khoáng, thực phẩm, chế biến nông – lâm sản, đồ gỗ. Nguyên nhân là do quá trình sản xuất kinh doanh, các cơ sở phát sinh các loại chất thải, khí thải, bụi bẩn không đạt chuẩn ra môi trường; chưa xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp theo quy định.
Sau khi nhận kết luận, hàng loạt cơ sở nêu trên đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn thông thường và nguy hại, đổi mới công nghệ sản xuất. Quá trình kiểm tra, ngành chức năng Đồng Nai nhận thấy, các cơ sở trong danh sách gây ô nhiễm đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đủ điều kiện được chứng nhận không còn gây ô nhiễm môi trường.
Dù đã đưa ra khỏi danh sách “đen” về gây ô nhiễm, song hầu hết các cơ sở này hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ gây hại cho môi trường, ngành chức năng Đồng Nai vẫn thường xuyên giám sát, định kỳ tiến hành thu mẫu chất thải, khí thải, kiên quyết không để tái phạm; đồng thời tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Trước đó, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến cuối tháng 6/2020, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được hơn 1.520 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, đến nay có 1.009 vụ việc đã được xử lý.
Trong đó nhiều vụ việc đã được kiểm tra, xác minh nhanh như vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội); Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; thông tin ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngoài ra còn một số vụ tiêu biểu như đốt rác thải khu vực đường vào Chùa Phật tích ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; người dân tại một số xã ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phản ánh nhà máy xử lý rác gây mùi ô nhiễm…
Bên cạnh xử lý các vụ việc theo thông tin phản ánh, Tổng cục Môi trường cũng đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa; hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng.
Đến nay, trên phạm vi cả nước còn 123/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có loại hình, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án có tác động đến sinh thái.
Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; thực hiện thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó...
Mới đây, đầu tháng 11/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt là cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong tình hình tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.
Theo đó, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra năm 2020.
Kế hoạch thanh tra hiện tại được xác định theo hướng hạn chế, giảm các hoạt động kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường mới được phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế cần phải được tăng cường hơn nữa.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang và có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, các địa phương chủ động xử lý nghiêm hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường xây dựng kế hoạch thanh tra điều chỉnh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2021, trong đó bổ sung nội dung thanh tra chuyên đề đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài việc thanh tra, kiểm tra các cơ quan cũng cần xem xét hỗ trợ các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao được đến các địa điểm phù hợp.
Trong quá trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như có doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do yếu tố lịch sử để lại. Tài chính cho xử lý ô nhiễm môi trường là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, nhiều doanh nghiệp lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cho các dự án di dời hoặc xử lý ô nhiễm môi trường, khó khăn trong việc đầu tư cho các dự án di dời hoặc xử lý ô nhiễm môi trường, khó khăn trong việc thuê đất trong khu công nghiệp do thay đổi chủ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí được quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải do mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp (như Công ty Bia Hà Nội-Hải Phòng cơ sở 1, Công ty Dệt may Thắng Lợi, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh...).
Một số cơ sở mặc dù đã thực hiện các yêu cầu của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg như đầu tư lắp đặt/vận hành hệ thống xử lý chất thải hay đã di dời và bàn giao mặt bằng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành vì một số chỉ tiêu quan trắc môi trường định kỳ không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường mà những yêu cầu này không nằm trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Do đó, tiến độ chứng nhận hoàn thành yêu cầu Quyết định số 64/2003/Q Đ-TTg đối với các cơ sở chậm.
Để giải quyết được những khó khăn trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xử lý tách bạch các vi phạm của các doanh nghiệp với yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định và chứng nhận hoàn thành đối với các đơn vị đã thực hiện yêu cầu về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, bền vững

Nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C

Hà Nội không mưa, trưa chiều trời nắng

Bắc Bộ sáng và đêm trời rét

Gen Green Platform chính thức ra mắt tại Ngày hội Xanh lớn nhất Việt Nam

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"

Không khí lạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Quảng Nam: Rừng thông trốc gốc, bờ biển tan hoang

Xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải trái phép ra sông Hồng
