Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 107.847 người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, với trên 55.000 người.
Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức, như: Cấp phát tài liệu, tờ gấp; hội nghị tập huấn; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, cán bộ dân tộc địa phương trong công tác tuyên truyền; lồng ghép cùng các chương trình, đề án khác...
Nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề bà con quan tâm; Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô; An toàn giao thông; Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu...
Theo ông Nguyễn Phúc Hải, thực hiện Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội năm 2021, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mục đích chương trình tập huấn nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Đồng thời, động viên nhân dân phát huy truyền thống đại đoàn kết, tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, bổ sung các văn bản chính sách mới liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức và Chương Mỹ.
Tranh cổ động tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 |
Các đối tượng tham gia tập huấn là lãnh đạo và cán bộ Phòng Dân tộc, cán bộ phụ trách công tác dân tộc các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Cán bộ văn hóa, cán bộ tư pháp và cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi…
Nội dung tập huấn được chú trọng vào việc quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cuộc bần cử và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngoài ra, Ban Dân tộc cũng tăng cường tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản, chính sách mới có liên quan…
Ông Nguyễn Phúc Hải nhấn mạnh, sau các lớp tập huấn, các đại biểu sẽ là những tuyên truyền viên tích cực ở cơ sở, tư vấn, tuyên truyền cho các người dân nâng cao kiến thức về pháp luật. Đồng thời, qua các buổi tuyên truyền đã góp phần tích cực nhằm từng bước đưa Luật đi vào cuộc sống; Hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.