Tăng cường quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập
Đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tham dự buổi làm việc.
Theo báo cáo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 1/6/2024, tổng số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn thành phố là 15.339, bao gồm 4.648 cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; 10.691 cơ sở hành nghề dược.
Các cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, cung ứng thuốc cho hàng triệu lượt bệnh nhân, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành liên quan về công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập (Ảnh: Bảo Vy) |
Với vai trò quản lý Nhà nước, Sở Y tế đã kiểm tra, thanh tra 1.115 lượt cơ sở (697 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh; 418 cơ sở hành nghề dược), tước 61 chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; xử lý vi phạm hành chính 691 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 13 tỷ đồng.
Các quận, huyện, thị xã thanh tra 23.737 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính đối với 1.366 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 15 tỷ đồng; đóng cửa 324 cơ sở.
Tuy nhiên, qua quá trình thanh kiểm tra, hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn TP còn một số tồn tại như: Hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; hành nghề khi chưa được cấp giấy phép hoạt động; không duy trì, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được thẩm định trong quá trình hoạt động; không bảo đảm điều kiện nhân sự, sử dụng người nước ngoài hành nghề không đúng quy định; bán thuốc, kê đơn không có đơn, không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật...
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn có mặt hạn chế, trong đó cả những tồn tại chậm xử lý từ đợt giám sát năm 2016, 2019 về lĩnh vực này của HĐND thành phố. Một bộ phận người hành nghề, chủ doanh nghiệp cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi trái quy định…
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Thịnh An) |
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, thực tế lực lượng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này ở cơ sở mỏng. Việc thực hiện các quy định về hành nghề y, dược còn chồng chéo, vướng mắc; có nội dung không được phép ủy quyền, nên cũng quá tải cho cơ quan cấp trên, khó kiểm soát trong cấp phép, hậu kiểm và xử lý vi phạm.
Những vấn đề trên sẽ được UBND thành phố báo cáo giải trình, làm rõ, đồng thời có kiến nghị, đề xuất tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: Thịnh An) |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà - Trưởng đoàn giám sát, ghi nhận, các cơ sở y, dược tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ sở đã triển khai được các kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu ngang tầm bệnh viện công lập và bệnh viện trong khu vực, đóng góp tích cực trong khám chữa bệnh cho Nhân dân, giảm tải đáng kể cho y tế công lập.
Về những hạn chế, tồn tại, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố thời gian tới phân công trách nhiệm cụ thể hơn cho các sở, ngành, cấp huyện, xã trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân; chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu, phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các phòng khám chuyên khoa, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược, nhà thuốc bảo đảm nguyên tắc đặt chuyên môn, sức khỏe người dân lên hàng đầu.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược tư nhân phát triển. Ngoài thanh tra độc lập, Sở cần phối hợp liên ngành, công bố vi phạm để người dân biết, theo dõi, giám sát...