Tạo bước đột phá trong phát hiện, trọng dụng, sử dụng nhân tài
"Giữ chân", thu hút nhân tài Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần thêm pháp lý để Hà Nội "hút" nhân tài Cần xây dựng hệ thống pháp lý toàn diện về thu hút sử dụng nhân tài |
Chương trình bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, giúp tạo dựng môi trường phù hợp cho nhân lực trẻ, chất lượng cao phát huy sở trường, năng động và sáng tạo phục vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.
2.156 Thủ khoa được vinh danh
Năm 2023 là năm thứ 21 Hà Nội tổ chức tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của Thủ đô Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; Đồng thời là sự ghi nhận, biểu dương đối với kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần vươn lên của sinh viên.
Sau 21 năm, đã có 2.156 Thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Nhiều Thủ khoa được tuyên dương đã bước đầu có những thành công trong sự nghiệp, có khát vọng cống hiến và đóng góp sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Năm nay, Hà Nội tổ chức tuyên dương 96 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn
Hơn 2.000 Thủ khoa đã được TP Hà Nội vinh danh |
Các Thủ khoa xuất sắc được tuyên dương là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện. Nhiều Thủ khoa xuất sắc là đảng viên, “Sinh viên 5 tốt” các cấp, là những tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả đạt giải trong nước và quốc tế. Nhiều Thủ khoa là cán bộ Đoàn, Hội tích cực, năng động; Là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện.
Hoạt động này tới nay đã đem lại những kết quả tích cực. Nhiều Thủ khoa xuất sắc chọn Hà Nội là nơi để thể hiện tài năng, cống hiến tri thức.
Từ năm 2013 đến nay, TP đã quyết định tiếp nhận 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP; Tuyển dụng đặc cách đối với 77 vận động viên xuất sắc đạt Huy chương tại giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hóa - thể thao TP.
Thực hiện Đề án đào tạo, tuyển dụng bác sỹ nội trú cho ngành Y tế, Hà Nội đã tuyển dụng 32 bác sỹ nội trú tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội về công tác tại các bệnh viện thuộc TP; Bổ sung kinh phí cho Quỹ khuyến khích và đào tạo tài năng của TP số tiền là 68 tỷ đồng nhằm bảo đảm đủ kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tuyên dương, khen thưởng các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... với hình thức tặng bằng khen, ghi danh trong sổ vàng truyền thống của TP và phần quà có trị giá bằng 10 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm tuyên dương...
Kỳ vọng bước đột phá mới
Phải khẳng định rằng, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan công quyền của TP Hà Nội. Nhìn lại các chính sách thu hút nhân tài tại Luật Thủ đô năm 2012 và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND năm 2013 của HĐND TP Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô đã có những sự khác biệt so với quy trình tuyển dụng công chức thông thường .
Theo đó, trong quá trình làm việc, ngoài chế độ chung của Nhà nước, UBND TP Hà Nội còn chỉ đạo các Sở, ban, ngành nơi tiếp nhận chủ động giao các công trình nghiên cứu khoa học cho Thủ khoa đảm nhận để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, theo quy định là cán bộ, công chức phải có 5 năm công tác mới được đi học tiếp, thì với Thủ khoa vừa về làm việc mà có nhu cầu học sau Đại học, UBND TP Hà Nội vẫn đồng ý kèm theo chế độ hỗ trợ lương tối thiểu/tháng cùng toàn bộ học phí; Khi bảo vệ luận văn thạc sỹ, thủ khoa sẽ được hỗ trợ 30 lần lương và bảo vệ luận án tiến sỹ hỗ trợ 80 lần lương...
Hà Nội xác định thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế |
Tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, ngay từ đầu nhiệm kỳ XVII, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao... Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” là một trong ba khâu đột phá cần thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là “Có cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô”.
Xác định việc “phát triển con người” là động lực, nguồn lực quan trọng trong xây dựng, phát triển Thủ đô, ngay sau khi Quyết định số 899 ngày 31/7/2023 về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt; Trong quá trình hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), nội dung “phát hiện, trọng dụng, sử dụng nhân tài” đã được TP Hà Nội đưa vào và được coi là chủ trương có ý nghĩa như một bước đột phá trong việc sử dụng nhân tài tham gia đóng góp, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Với Luật Thủ đô (sửa đổi), kỳ vọng rằng, tới đây, TP Hà Nội sẽ có nhiều hơn các chính sách thiết thực, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.