Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bức tranh đô thị Thủ đô
Những điểm sáng trong bức tranh đô thị
Thời gian gần đây, nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được cải thiện đáng kể về diện mạo kiến trúc hạ tầng, môi trường và cảnh quan đô thị, tạo nên diện mạo mới cho một quận trung tâm của Thủ đô.
Hồ Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang đồng bộ: Kè hồ, thay mới gạch lát đường dạo, cải tạo hệ thống cây xanh, cây cảnh... đã mang diện mạo hoàn toàn đổi khác, được người dân, giới chuyên môn đánh giá cao. Theo TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của người dân được khẳng định hơn, nhiều hơn. Thảm xanh, thảm hoa mạch lạc, không mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Hoàn Kiếm mà còn ngăn nắp hơn. Điều này thể hiện một sự đầu tư bền vững, đồng bộ và chắc chắn, chứ không phải làm nhất thời.
Diện mạo đó là kết quả của việc triển khai Chương trình 03-CTr/TU. Khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 03-CTr/TU trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, bên cạnh việc chỉnh trang đô thị, UBND quận đã khởi công dự án “Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài”. Sau khi hoàn thành, biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với tên gọi Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Không chỉ Hoàn Kiếm, quận Đống Đa đã chủ động thực hiện và phối hợp các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp thực hiện chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU, trong đó có 9/19 chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ phân cấp trên địa bàn quận. Theo đó, quận đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội tiến hành kiểm định 44 chung cư trên địa bàn 2 phường Kim Liên, Trung Tự.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khảo sát bản đồ tuyến đường Quang Trung (quận Hà Đông), được đề xuất xây dựng tuyến đường văn minh đô thị |
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, quận đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành; lập quy hoạch thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng- Voi Phục song song với thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thi công thực hiện dự án... Quận cũng xây dựng đề án nghiên cứu tuyến phố đi bộ tại khu vực không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian phố đi bộ trục phố chuyên kinh doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết- Hoàng Cầu - Hào Nam - ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết hợp không gian hồ Đống Đa...
Trong thời gian tới, quận Đống Đa tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang và phát triển đô thị; Trong đó, nghiên cứu triển khai đề án xây dựng mô hình đô thị quận Đống Đa thông minh; Tích cực phối hợp, báo cáo thành phố lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết, thực hiện dự án xây dựng Công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa, Khu công viên cây xanh kết hợp bãi đỗ xe ngầm tại phường Láng Thượng, bãi đỗ xe nằm trong khu vực cây xanh trước Đại học Thủy Lợi, bãi đỗ xe hồ Linh Quang,..
Tương tự, theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, quận chú trọng phối hợp thực hiện việc xây dựng lại chung cư cũ; Cải tạo nâng cấp các vườn hoa; thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng chợ giai đoạn 2021-2025… Đối với dự án Khu công viên cây xanh - văn hóa quận Hà Đông, UBND quận đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã giải phóng mặt bằng...
Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 19 chỉ tiêu
Theo Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, 19 tiêu chí của chương trình đã được triển khai quyết liệt. Trong đó, chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng” và “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại” được các tổ công tác bám sát đôn đốc thực hiện.
Riêng chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố” được UBND các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông triển khai thủ tục để cải tạo 10 vườn hoa trên địa bàn...
Đáng lưu ý, chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954” được rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.
Tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm luôn được chỉnh trang, giữ gìn sạch đẹp |
Một số chỉ tiêu được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm như: tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn đã đạt hơn 82%, tăng 2%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15,25%, tăng 0,77% so với 3 tháng đầu năm 2022…
Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã bám sát 19 chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU để có các giải pháp, biện pháp triển khai phù hợp với thực tiễn.
Qua kiểm tra một số đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho rằng, để triển khai tốt chương trình, ngoài sự nỗ lực của các sở, ngành thì nhân lực các phòng quản lý đô thị cấp quận cũng cần được quan tâm, nhất là tại các huyện ven đô, huyện có đề án lên quận vào năm 2025.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đánh giá, hiện nay một số chỉ tiêu về cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang nhà biệt thự, công viên, vườn hoa, chỉnh trang tuyến đường phố, hạ ngầm cáp viễn thông, cải tạo, nâng cấp chợ… vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần sớm rà soát, chủ động đề xuất giải pháp thiết thực, đồng bộ. Cùng với đó, việc kiểm tra, đôn đốc, kiểm đếm chỉ tiêu, nhiệm vụ, công việc phải được thực hiện thường xuyên để Chương trình số 03-CTr/TU đạt kết quả tốt nhất.
Triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, song với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo, các địa phương, đơn vị liên quan, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình trong hơn một năm qua đã chuyển động thông suốt, hiệu quả.
Như lời Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, các chương trình đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của thành phố. Việc có thêm Chương trình 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” giúp Hà Nội phát triển toàn diện hơn.