Tạo điều kiện chuyển đổi số đồng bộ để Hà Nội phát triển bứt phá
Quảng Nam tổ chức thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số Quận Ba Đình chú trọng chuyển đổi số trong giáo dục |
Thành quả từ những hành động cụ thể
Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thành ủy Hà Nội hay gần đây nhất là Kế hoạch 239/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện rõ quyết tâm cũng như tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố.
Cán bộ phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến |
Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện Thủ đô đang là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021; Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet băng rộng đạt 90%...
Bên cạnh việc ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của chuyển đổi số, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành như: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…
Các quy định, quy chế cũng được ban hành kịp thời nhằm bảo đảm vận hành, khai thác các hệ thống thông tin như: Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố đã hoàn thành trong quý I/2023 (Quyết định số 2223/QĐ-UBND); Quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử thành phố…
Hiện, Hà Nội đang tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số như: Số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số) phục vụ người dân, doanh nghiệp; Số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); Rà soát, xây dựng cơ chế hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố; Chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ với 3 nền tảng hướng tới hình thành 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.
Cần thiết bổ sung chính sách về chuyển đổi số
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số tại Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vì thế, tại Điều 25, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều nội dung cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội |
Theo TS. Hoàng Ly Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, để đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và thế giới, việc sửa đổi Luật Thủ đô hiện hành là cấp thiết.
Cụ thể, về chuyển đổi số, khoản 1 Điều 25 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự thay đổi về chất trong quy định về chính sách của Thủ đô trong thời gian tới để đạt được sự phát triển vượt trội, bứt phá nhằm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế.
Bên cạnh chính sách bảo đảm phát huy tiềm năng, thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hôi, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng khẳng định mục tiêu và quyết tâm chuyển đổi số sâu, rộng, đồng bộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội Thủ đô nhằm tạo sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh cả nước quyết tâm chuyển đổi số. Việc bổ sung chính sách về chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội Thủ đô cũng thể hiện tư duy, tầm nhìn để Thủ đô phát triển vượt trôi. Bởi vì, chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, nền kinh tế nào. Trong khi đó, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hoá, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh.
Góp ý chi tiết nội dung trong Điều 25 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Hoàng Ly Anh nhận định, so với khoản 1 Điều 13 Luật Thủ đô hiện hành, khoản 1 Điều 25 Dự thảo viết gọn hơn, bỏ một số cụm từ mà vẫn thể hiện được nội dung. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ly Anh nên thêm cụm từ “chính trị” và sửa thành “thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội”, bởi chuyển đổi số không chỉ tác động tới kinh tế - xã hội (trong đó có văn hoá) mà còn tác động với các đối tượng rộng hơn với cả đời sống chính trị.
Ngoài ra, TS Hoàng Ly Anh cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô tại Dự thảo. Việc liệt kê sẽ xác định rõ những lĩnh vực trọng điểm mà Thủ đô cần tập trung đầu tư và minh bạch trong thi hành chính sách ưu đãi sau này. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lĩnh vực thay đổi rất nhanh chóng. Trong tương lai, nếu xuất hiện những lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hay chuyển đổi số mới và cần nghiên cứu, sẽ không thể áp dụng cơ chế tại Luật Thủ đô do lĩnh vực đó không thuộc các lĩnh vực được liệt kê trong Luật.
Vì vậy, TS Hoàng Ly Anh đề xuất, chỉ nên xác định đặc trưng các lĩnh vực trọng điểm của Hà Nội, còn Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi đối với các quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Nhiều chuyên gia đánh giá, Điều 25 Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) không chỉ kế thừa các quy định của Điều 13 Luật Thủ đô hiện hành mà thực sự là một sự đổi mới trong nhận thức về chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến ưu đãi dành cho chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, phân cấp, phân quyền quản lý về khoa học công nghệ cho chính quyền Thủ đô. Với quy định như hiện nay, Điều 25 Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đổi mới góp phần phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng.