Tạo thói quen mua sắm online: Bưu điện Việt Nam kết nối nông dân và người tiêu dùng
Khi công nghệ thay đổi cách mua sắm truyền thống
Trong cao điểm dịch, nền tảng thương mại điện tử nông sản Việt Postmart.vn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: Na, nhãn, bưởi, xoài, cam, quýt, tỏi, hành… cho các tỉnh thành gặp khó khăn; Đồng thời đa dạng hóa hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm, phục vụ chủ yếu cho các nhu cầu về lương thực, hàng tiêu dùng như gạo, dầu ăn, nước mắm, bột canh, mì tôm, mì phở, thịt hộp, lương khô, khẩu trang...
Người dân dễ dàng đặt hàng hoá qua sàn thương mại điện tử Postmart với lượng hàng hoá phong phú |
Bưu điện Việt Nam cũng kết nối với nhiều nhà cung cấp uy tín để đảm bảo nguồn hàng luôn sẵn sàng cung cấp trong mọi tình huống.
Thực tế trong cao điểm về dịch bệnh, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn luôn đáp ứng được mọi yêu cầu của người dân, cung cấp đầy đủ nhanh chóng thực phẩm nhu yếu phẩm đến cả những nơi là điểm nóng của dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành.
Sàn TMĐT với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đã nâng cấp thêm các tính năng của sàn cũng như thiết kế 63 landingpage (trang mục tiêu) cho mỗi tỉnh, thành phố để người dân dễ dàng truy cập nơi mình muốn đặt hàng; Đồng thời, đưa các sản phẩm cần thiết, bình ổn giá và chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn lên đầu trang để người dân đặt hàng nhanh chóng.
Hạt vàng bưu điện - một hoạt động thiết thực hỗ trợ thực phẩm cho người dân mùa dịch bên cạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân ở nhiều tỉnh, thành |
Bưu điện Việt Nam có lợi thế về mạng lưới phủ rộng tới tận cấp xã phường trên cả nước nên năng lực tiêu thụ các mặt hàng nông sản khá tốt. Với mạng lưới và nguồn nhân lực trải rộng trên toàn quốc, Bưu điện Việt Nam nắm bắt nhanh chóng, chính xác về nhu cầu của thị trường để tập trung tiêu thụ các loại nông sản đến đúng đối tượng.
Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các dịch vụ hậu cần TMĐT, hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, hiện đại, năng lực vận chuyển lớn nên việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi, nhanh chóng dù trong bất cứ tình huống nào.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, ngoài những hoạt động hỗ trợ người dân trong việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm hay trao gửi những phần quà giúp cho người dân vượt qua khó khăn, Bưu điện Việt Nam còn đẩy mạnh việc hỗ trợ những khách hàng thân thiết qua các nền tảng mạng xã hội.
Bưu điện TP HCM là một ví dụ. Khách hàng trong nhóm sẽ được nhân viên của Bưu điện TP HCM tiếp nhận nhu cầu về hàng hóa, thực phẩm và nhanh chóng giải quyết.
"Đi chợ" hộ khách hàng thân thiết |
Gia đình chị Huỳnh Thanh M (trú tại Phường 9, Quận 3, TP Hồ Chí Minh) là khách hàng quen thuộc của Bưu điện Nguyễn Văn Trỗi từ năm 2015 đến nay.
“Trước dịch, mỗi ngày trung bình cửa hàng quần áo của tôi có từ 25-30 bưu phẩm cần gửi cho khách trên toàn quốc. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách, thông qua ứng dụng Zalo kết nối những khách hàng thân thiết, đơn hàng của tôi đã được nhân viên của Bưu điện đến tận nhà để nhận và chuyển đi. Không chỉ chuyển đơn hàng, những nhu yếu phẩm mà gia đình tôi cần trong sinh hoạt cũng được tôi đặt mua thông qua tin nhắn ở Zalo. Việc chuyển và nhận hàng diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, đảm bảo được cho tôi và gia đình trong công tác phòng chống dịch”, chị M chia sẻ.
Ngoài ra, với vai trò của doanh nghiệp bưu chính Quốc gia, Bưu điện Việt Nam luôn được tạo điều kiện tốt nhất để bố trí các xe bưu chính tham gia luồng xanh, ưu tiên lưu thông, chuyển phát hàng hóa đến từng địa bàn ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp.
Nhân viên bưu tá giao hàng cho khách |
Với kinh nghiệm hỗ trợ các hộ nông dân Bắc Giang, Hải Dương đưa sản phẩm nông sản chính vụ lên Postmart.vn ngay trong thời gian cao điểm của dịch, Bưu điện Việt Nam đã ứng dụng nhiều giải pháp từ trực tiếp đến online để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân lập tài khoản, mở gian hàng số trên sàn TMĐT.
Các kênh truyền thống cũng phát huy được lợi thế khi là kênh trung chuyển hỗ trợ cho các đơn online, tại các bưu cục cũng có các điểm bán hàng bình ổn và tiếp nhận đơn hàng trên sàn, bưu tá sẽ lấy hàng từ các hệ thống kho - hệ thống chia chọn tự động tại các Bưu điện tỉnh để giao hàng thuận tiện, đảm bảo nông sản tươi ngon.
Nhân viên bưu điện hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử |
Một thuận lợi nữa khi Bưu điện Việt Nam có sự giúp đỡ, phối hợp với các Bộ, sở, ban, ngành triển khai chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Postmart vẫn tiếp tục phát triển, hướng dẫn, đào tạo nhà cung cấp - hộ gia đình lên sàn bán hàng, đào tạo về cách thức bán mới, livestream chốt đơn, tương tác với người mua trên các nền tảng Facebook... tăng cường hợp tác làm việc với UBND các tỉnh để giúp đỡ bà con tiêu thụ nông sản trong thời kì dịch bệnh.
Khi nông dân “cần”, Bưu điện “có”
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Bưu điện Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản đang đến mùa thu hoạch.
Các Bưu điện tỉnh đã cử cán bộ đến từng vườn, hợp tác xã để hỗ trợ người nông dân từ khâu thu hoạch, đóng gói, bảo quản đến khâu vận chuyển nhằm đưa nông sản đến tay người tiêu dùng thông qua các điểm bán hàng tại bưu cục và Điểm Bưu điện văn hóa xã trong thời gian nhanh nhất và đảm bảo về chất lượng nguồn gốc xuất xứ.
Khách hàng có nhiều lựa chọn hàng hoá ở các điểm bán hàng của bưu điện |
Các Bưu điện tỉnh cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND từng tỉnh để kết nối, tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn bà con nông dân lên sàn TMĐT Postmart.vn; Từ đó tạo tài khoản, hướng dẫn bà con sử dụng app bán hàng, đăng sản phẩm lên và duyệt đơn, điều tin, quy trình giao nhận như thế nào để bà con dễ hiểu và thực hành ngay tại hội nghị.
Minh chứng cho hiệu quả của sàn TMĐT và sự nỗ lực chung tay tiêu thụ nông sản cho người dân, thời gian qua, không chỉ trong giai đoạn giãn cách mà các đơn vị trực thuộc Bưu điện Việt Nam còn hỗ trợ tiêu thụ rau củ quả theo mùa cho người nông dân, như: Bưu điện tỉnh Phú Yên hỗ trợ gần 3 tấn rau xanh cho nông dân xã Ngọc Lãng, Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ tiêu thụ hơn 8 tấn rau củ quả cho nông dân xã Nghĩa Hà, Bưu điện tỉnh Đồng Nai hỗ trợ tiêu hơn 5 tấn rau cho người dân...
Nhân viên bưu điện hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản |
Một trong những hộ dân được Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ trong đợt dịch này là gia đình ông Nguyễn Sinh. Trang trại trồng cam Hương Xuân của gia đình ông Sinh ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông. Trang trại hiện có khoảng 1.5ha, cho thu hoạch trung bình từ 30-40 tấn/năm.
Ông Sinh cho biết, từ năm 2015 gia đình bắt đầu thử nghiệm các phương thức trồng cam mới, kết hợp với việc chăm bón đã cho năng suất cao và mỗi vụ mùa tiêu thụ đều được các thương lái đến thu mua hết. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh đã khiến cho việc vận chuyển, đi lại khó khăn nên khi bắt đầu vào mùa thu hoạch, lượng cam trong vườn nhà ông Sinh vẫn còn hơn một nửa mà chưa tìm được đầu ra.
Theo tính toán, sản lượng cam năm nay của gia đình ông Sinh đạt hơn 35 tấn. Trái cam mọng nước, ngon và ngọt. Tuy nhiên, đến thời điểm này gia đình mới bán được hơn 12 tấn.
Từ đầu tháng 10, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến hỗ trợ gia đình tiêu thụ sản phẩm. Chỉ sau 5 ngày, gia đình ông Sinh đã bán được 2,5 tấn cam.
“Tôi thấy cách làm của Bưu điện rất bài bản, chuyên nghiệp, hỗ trợ chúng tôi từ khâu thu hoạch, đóng gói và vận chuyển. Mong rằng đến cuối vụ, qua kênh tiêu thụ của Bưu điện tỉnh, gia đình chúng tôi sẽ bán được hết sản lượng”, ông Sinh chia sẻ.
Bưu tá phát báo cho người dân |
Có thể nói, mọi sự cố gắng trong lúc khó khăn đều đem lại “trái ngọt”. “Trái ngọt” của Bưu điện Việt Nam nói chung, Bưu điện các tỉnh, thành, nhất là các địa phương phải giãn cách xã hội do dịch bệnh là sự tin tưởng, hài lòng của khách hàng, sự trân quý của những người nông dân và chính quyền địa phương…