Tập huấn triển khai thực hiện Nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan
Nghị định số 22 có hiệu lực từ ngày 10/4/2018 gồm 6 chương, 51 điều. Trong đó, Chương I là Những quy định chung (từ điều 1-điều 5); Chương II là Quyền tác giả gồm 23 điều (từ điều 6- 28), Chương III Quyền liên quan gồm 5 điều (điều 29-điều 33); Chương IV quy định về Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm 8 điều (34-41); Chương V: gồm 7 điều (42-48) về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (49-51).
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, với Nghị định 22, Chính phủ bỏ quy định Sở VH-TT hoặc Sở VH-TT&DL là đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định 22 quy định nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả, Văn phòng đại diện của Cục tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, hoặc qua đường bưu điện, không phải qua các sở để chuyển về Cục Bản quyền tác giả như trước. Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Điểm mới của Nghị định còn ở việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến đăng ký Bản quyền tác giả. Cụ thể như giảm thời gian trả kết quả trong trường hợp cấp lại và cấp đổi và giảm bớt các thủ tục về hồ sơ.
Đặc biệt, Nghị định 22 đã dành riêng chương V cho tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác gải, quyền liên quan. Trong đó, Nghị định đã bổ sung quy định về biểu mức tiền nhận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (điều 43); Sửa đổi, bổ sung quy định về thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (điều 44); Bổ sung quy định về khai tác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình (điều 45)… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn thi hành đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Về phía tác giả, Nghị định cũng đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, phần nào định hướng việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, với nhiệm vụ đặc biệt được Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, Bộ, ban, ngành và các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp có liên quan để từng bước thực hiện các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, trên thực tế còn có nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng chỉ ra một số các nguyên nhân cốt lõi như: Nhận thức về pháp luật của chủ sở hữu, cũng như người tham gia khai thác chưa đầy đủ; bất cập trong các quy định quản lý nhà nước... Vì vậy trong quá trình triển khai còn có sự lúng túng trong công tác quản lý. Trong thực tiễn còn xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực nhưng việc kiểm tra, phát hiện, xử lý còn nhiều bất cập.
Thông qua buổi tập huấn, Thứ trưởng đề nghị bên cạnh việc giới thiệu nội dung chính của Nghị định 22, tập huấn các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về vấn đề thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, các đải biểu sẽ tích cực trao đổi để hiểu thấu đáo các quy định và đưa nội dung của Nghị định vào cuộc sống.