Tất cả vắc xin được WHO cấp phép đều an toàn và hiệu quả
Các quốc gia đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng |
WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến chủng đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin. Các dữ liệu cho thấy, vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 nặng do biến chủng Delta.
Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả trong việc ngăn ngừa vi rút SARS-CoV-2 và những biến chủng của nó lên tới hơn 90% khi tiêm đủ hai mũi. Trong khi đó, vắc xin AstraZeneca của Oxford có thể có hiệu quả khoảng 85% đến 90%.
Vắc xin được WHO phê duyệt gần đây nhất là Sinopharm (ngày 7/5), hiệu quả bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh Covid-19 cũng lên tới 78,2%, theo kết quả hậu lâm sàng, được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vắc xin Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc giảm tỷ lệ nhập viện khi mắc Covid-19 và các trường hợp không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Đánh giá chung về vắc xin Sinopharm, các chuyên gia cho biết, vắc xin phát huy hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp, là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.
Cập nhật tình hình phê duyệt vắc xin để sử dụng tại các quốc gia trên thế giới, dữ liệu của WHO ngày 9-9 cho thấy, vắc xin AstraZeneca của Oxford đang đứng đầu danh sách, được 121 quốc gia phê chuẩn để sử dụng. Tiếp theo là Pfizer/BioNTech (98), Moderna (71), Sinopharm/BBIP (64), Janssen (62), AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ (45), Sinovac (39).
Các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta chống lại Covid-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người đã được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Vắc xin đã cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Delta, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong do Covid-19. Bên cạnh đó, một người đã tiêm phòng nếu vẫn nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn những người chưa tiêm phòng.
Vì vậy, WHO kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc Covid-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vắc xin mà bỏ lỡ một "lá chắn" quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.