Tháng 11/2022, các tỉnh miền Trung có thể xuất hiện 1- 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới
Tháng 11 sẽ là "cao điểm" mưa, lũ và bão ở khu vực miền Trung
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%.
Nhận định về xu thế bão và áp thấp nhiệt đới từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn.
Cùng với đó, đề phòng xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022.
Ảnh minh hoạ |
Trong tháng 11/2022 có khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Tổng lượng mưa trong tháng ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-10%.
Như vậy, tháng 11 vẫn là tháng mưa, lũ và bão chính ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Thống kê số liệu trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa tháng 11 ở khu vực Trung Trung Bộ phổ biến từ 500-700mm, cá biệt tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi từ 800-1000mm.
Các dự báo cập nhật mới nhất cho thấy lượng mưa nửa đầu tháng 11/2022 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và chưa có dấu hiệu xảy ra mưa cực đoan ở khu vực Trung Bộ.
Tuy nhiên nửa cuối tháng 11/2022 dự báo mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm nên cần đề phòng khả năng xảy ra mưa lớn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong nửa cuối tháng 11/2022.
Trong tháng 10, các địa phương miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Tăng cường công tác ứng phó với thiên tai
Trong bối cảnh khu vực miền Trung liên tục xảy ra mưa lớn, hồ chứa nước, sông suối đầy nước.
Để chủ động ứng phó tình huống thiên tai phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lũ chồng lũ, sạt lở đất, lũ quét, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đã tăng cường đề cao cảnh giác, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới.
Trong đó, tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn.
Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Tàu thuyền tránh trú bão ở khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hôi - Xuân Phổ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) |
Trước dự báo mưa bão trong tháng 11, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương và chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.
Lực lượng chức năng đã phân công các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo các ban, ngành xuống tận các địa bàn, thôn, xóm chỉ đạo, hướng dẫn, truyền truyền Nhân dân triển khai các phương án ứng phó với mưa bão.
Đặc biệt, ở những xã ngoài đê, xã thường xuyên bị ngập lụt; các điểm gần núi, gần sông dễ xảy ra sạt lở đất, các địa phương thường xuyên theo dõi, tuyên truyền đến người dân chủ động kê gác đồ đạc, di chuyển gia súc, gia cầm và chủ động sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền những dự báo về tình hình thời tiết để người dân không chủ quan, lơ là, nhất là đối với những xã ngoài đê có khả năng ngập úng sâu. Người dân cần kê gác đồ đạc lên cao, đảm bảo phương án “4 tại chỗ”; Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, theo dõi sát tình hình mưa lũ để có phương án chủ động đối phó.
Đối với các hồ, đập trên địa bàn, các địa phương phối hợp với đơn vị quản lý thường xuyên, liên tục thông tin quy trình vận hành xả lũ đến tận người dân để có phương án xử lý kịp thời.
Các địa phương chủ động triển khai thực hiện phương án “4 tại chỗ”, không chủ quan lơ là, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống đột xuất, bất ngờ, đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.