Thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long
Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long được xác định tại vùng lõi của Vịnh, có diện tích 335km2, với 775 hòn đảo (450 hòn đảo đã có tên, 325 hòn đảo chưa đặt tên), bao gồm toàn bộ đảo nổi và rừng ngập mặn nằm trong di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long.
Hệ sinh thái rừng vịnh Hạ Long rất đặc trưng, phong phú, với tổng số hơn 1.000 loài thực vật sống trên các đảo bước đầu được thống kê, trong đó phát hiện 17 loài thực vật đặc hữu, như: Tuế Hạ Long, cọ Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, nhài Hạ Long, song bế Hạ Long, riềng núi đá… Bên cạnh đó, đây là nơi cư trú của nhiều loài động vật, bước đầu thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 22 loài thú, đặc biệt là có sự hiện diện của loài khỉ thân nhỏ.
Khu rừng đặc dụng này sẽ được chia làm 3 phân khu chức năng và vùng đệm, bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, với tổng diện tích tự nhiên là trên 4.300ha, chiếm 85% tổng diện tích tự nhiên của khu rừng đặc dụng; Phân khu nghiên cứu và phục hồi sinh thái, với diện tích trên 587ha, chiếm 11,7% tổng diện tích tự nhiên rừng đặc dụng; Phân khu dịch vụ - hành chính, với diện tích 127ha nằm trong các trung tâm bảo tồn. Toàn bộ khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long.
Quảng Ninh sẽ phát triển rừng đặc dụng thành rừng quốc gia vịnh Hạ Long |
Việc xây dựng khu rừng đặc dụng này sẽ góp phần phát triển du lịch cảnh quan, sinh thái trên vịnh Hạ Long, bao gồm 8 tuyến du lịch theo Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh; Các loại hình du lịch chèo thuyền phao (Kayaking), du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, trải nghiệm cộng đồng, với nền tảng chính là làng chài Vông Viêng với 27 nhà bè, làng chài Cửa Vạn với 15 nhà bè, khu nuôi trồng ngọc trai của Công ty Ngọc trai Hạ Long.
Tính từ năm 2020-2030, tổng vốn đầu tư cho khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long là hơn 64 tỷ đồng, nhằm thực hiện các dự án, phương án và chương trình nghiên cứu ưu tiên như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sử dụng khu rừng cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long; Đặt tên cho các hòn đảo; Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; Chương trình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; nâng cấp khu rừng lên Vườn quốc gia vịnh Hạ Long; Tập trung thực hiện đồng bộ việc sưu tầm và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, nghiên cứu và phát triển các loài. Đây là điểm nổi bật so với các khu rừng đặc dụng khác trong cả nước.
Từ định hướng cụ thể này, chắc chắn trong thời gian tới, khu rừng sẽ thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với giáo dục bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên - kỳ quan thế giới.