Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số
Văn hóa uống có trách nhiệm của người Việt |
Kết hợp truyền thống với đổi mới
Đại biểu Trần Thị Quỳnh, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Nam Định), cho rằng trong kỷ nguyên số, thanh niên phải có trách nhiệm tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thanh niên hiện nay có sự sáng tạo và động lực để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa số độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn bị mất kết nối với văn hóa truyền thống do áp lực từ hội nhập và môi trường số hóa. Sự thiếu hiểu biết và tự hào về văn hóa dân tộc cũng có thể là một thách thức.
Đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023 tham quan Bảo tàng Dân tộc học |
Theo chị Quỳnh, nguyên nhân của thực trạng này là do sự tiếp cận rộng rãi của văn hóa quốc tế thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Điều này có thể làm mất đi sự tập trung vào văn hóa dân tộc. Ngoài ra, thanh niên thiếu sự định hướng, giáo dục về văn hóa truyền thống cũng góp phần dẫn đến thực trạng này.
Chị Quỳnh cho rằng thanh niên có vai trò quan trọng tham gia gìn giữ truyền thống văn hóa và nghệ thuật dân tộc. Họ có thể học và truyền đạt các nghiên cứu, câu chuyện và nghệ thuật truyền thống, giúp cho di sản văn hóa của dân tộc không bị lãng quên. Ngoài ra, việc kết hợp truyền thống với sự đổi mới là cách để văn hóa dân tộc không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong thời đại số hóa.
Phát huy vai trò của người trẻ
Theo đại biểu Lô Thị Đài Trang, Bí thư Đoàn xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt trong kỷ nguyên số như hiện nay là vấn đề rất quan trọng. Đây là cơ hội hội nhập, tạo điều kiện cho nước ta mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa, sáng tạo ra giá trị mới, làm giàu bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức khi thời đại bùng nổ thông tin, nhiều nội dung phản văn hóa, tư tưởng độc hại dễ dàng xâm nhập, làm biến dạng các giá trị truyền thống.
Các bạn trẻ tham quan Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội |
Từ thực tiễn trên, nhằm tăng cường vai trò của thanh niên trong việc tham gia tích cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cần thực hiện nhiều giải pháp. Các cơ sở Đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Đoàn giúp thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống; Từ đó nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó.
Các đơn vị cũng cần tạo môi trường văn hoá lành mạnh để thanh niên học tập, rèn luyện; Xây dựng các thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần cho thanh niên. Mặt khác, phải phát huy vai trò của người trẻ trong kiên quyết đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của hiện tượng phản văn hoá, sự chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống mê tín dị đoan, các tập tục lạc hậu.
Bạn trẻ chia sẻ thông điệp tại diễn đàn |
Ứng dụng công nghệ số
Đại biểu Vi Thị Khuyên, Bí thư đoàn trường THPT huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết, chị nhận thấy một số ngôn ngữ truyền thống đang bị lãng quên như người dân tộc nhưng không biết nghe, không biết nói tiếng dân tộc mình... Bên cạnh đó, một số nghệ thuật truyền thống đang dần biến mất, nhiều lễ hội truyền thống không còn thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Chị Khuyên đề xuất, thanh niên bản địa cần dựa vào sự nhạy bén, linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo nội dung trực quan, âm nhạc, phim ảnh, video, blog… và các ứng dụng số để thể hiện giá trị văn hóa dân tộc.
"Văn hóa truyền thống sẽ sống động và hữu ích hơn khi chúng ta ứng dụng công nghệ số để lưu giữ, truyền tải và lan tỏa những di sản, văn hóa lâu đời tới bạn bè quốc tế", chị Khuyên chia sẻ.