Thành phố cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo nguồn thu ngân sách
Đó là một trong nhiều ý kiến của đại biểu HĐND TP Hà Nội được đưa ra tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, diễn ra chiều nay (7/12).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, các đại biểu thảo luận tại tổ về 5 nội dung, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của TP; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP, định mức phân bổ ngân sách TP giai đoạn 2023-2025; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Doanh nghiệp đang rất chờ mong sự quan tâm của thành phố
Đại biểu Lê Ngọc Anh (tổ Phú Xuyên) bày tỏ ấn tượng với những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2022, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%, 22 chỉ tiêu đều đạt, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đáng lưu ý năm 2022, lĩnh vực văn hóa-giáo dục - y tế được chú trọng; TP đã hoàn thiện các thể chế phát triển Thủ đô, đảm bảo phù hợp thực tiễn; Chú trọng công tác quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư.
“Bên cạnh tăng trưởng về kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cũng được đảm bảo phát triển rất đồng đều”- đại biểu nêu.
Về các giải pháp trong năm 2023, đại biểu đề nghị TP tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội cho các huyện phía Nam nói chung và Phú Xuyên nói riêng; Tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư khu công nghiệp phía Nam Hà Nội. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vì điều này ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công. Đại biểu dẫn chứng ngay tại huyện Phú Xuyên có 3 dự án lớn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này, đặc biệt là việc bố trí tái định cư cho các dự án.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ Hà Đông) cho rằng, năm 2023, chỉ tiêu thu ngân sách từ nhà đất, doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương tiếp tục sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt là thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng. Mặc dù UBND TP đã có các giải pháp nhưng cần tập trung hỗ trợ hơn nữa để doanh nghiệp có sản lượng đầu tư lại cho TP, tạo nguồn thu ngân sách.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ Mỹ Đức) cũng cho rằng, năm 2023, kinh tế Thủ đô sẽ khó khăn nhiều hơn, thu từ đất sẽ suy giảm trong năm tới nếu không được tháo gỡ kịp thời. Đáng kể nếu nguồn thu này không đạt được sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt nguồn tiền, doanh nghiệp không được tái cấp vốn vay sẽ dẫn tới nguy cơ nợ xấu. “Hà Nội có khoảng hơn 300 nghìn doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều rât lớn nhưng đang phải cắt giảm mạnh. Do đó, TP cần có nhận định rõ ràng để chỉ đạo điều tiết, hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi rất kỳ vọng vào một buổi đối thoại, gặp gỡ với lãnh đạo TP trong thời gian tới”- đại biểu Lê Vĩnh Sơn nêu
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của TP; Mong muốn TP đồng hành, chia sẻ, đối thoại cùng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. “Việc này sẽ như luồn gió mới, đem lại tinh thần và khí thế mới cho doanh nghiệp”- đại biểu Hải nêu.
Quyết liệt để thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn
Quan tâm tới chỉ tiêu nước sạch của TP, đại biểu Lê Kim Anh (tổ Ba Đình) cho rằng, hiện nay, toàn TP còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong khi đây là vấn đề dân sinh, liên quan đến sức khỏe Nhân dân nên TP cần quan tâm có giải pháp quyết liệt cho vấn đề này.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Công Anh (tổ Thanh Oai) nêu: Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện cơ bản chưa có đường ống cấp nước sạch, mặc dù TP đã chỉ đạo thay chủ đầu tư nhưng tình hình chưa có chuyển biến. Đây là vấn đề người dân rất mong đợi nên TP cần có giải pháp quyết liệt để thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân thảo luận tại tổ |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ Sơn Tây) cho rằng cần phải phân tích, đánh giá sâu hơn về chỉ tiêu nước sạch nông thôn. Theo đó, chỉ tiêu hết năm 2022 dự kiến cấp nước sạch nông thôn đạt 85%, tương ứng tăng thêm 20 xã. Như vậy, toàn TP còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong đó, có 121 xã trước đây TP đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện, còn 28 xã chưa có nhà đầu tư cần phải kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, dự kiến năm 2023, chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn tăng thêm 5%, tức là thêm trên 20 xã là chưa hợp lý, cần xem xét kỹ hơn về chỉ tiêu này. Trong khi nhiều xã đã có nhà đầu tư nhưng chậm triển khai, cần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ.
Đại biểu Trần Đức Hoạt (tổ Nam Từ Liêm) nêu thực trạng thời gian qua quận phải hạ tỷ lệ trường chuẩn xuống 80% (trước đó là 100%) do nhiều trường phải tiếp nhận sĩ số học sinh tăng/lớp. “Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là hệ thống trường công lập có thể đảm nhận được việc học tập cho toàn bộ học sinh của thành phố hay không?Nếu không bảo đảm yêu cầu sĩ số của trường chuẩn thì chúng ta cần cho con em mình học tập tại các trường dân lập với việc tạo điều kiện cho hệ thống trường tư phát triển. Đồng thời, thành phố cần quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường trong bối cảnh hiện nay sau cho phù hợp, trong đó có vấn đề quản lý dịch vụ giáo dục”, đại biểu Trần Đức Hoạt nêu ý kiến.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Lý giải tình trạng quá tải tại các trường công lập trên địa bàn thành phố hiện nay, đại biểu Vũ Thu Hà (tổ Long Biên) cho rằng, khó khăn của hệ thống trường công hiện nay khi vận hành hoạt động là phải gắn với giáo viên được biên chế, ngân sách và bộ máy hoạt động. Theo đại biểu, để giảm thiểu tình trạng quá tải này thì cần đa dạng hóa giáo dục, cụ thể là tạo điều kiện cho các trường tư phát triển thay vì chỉ tập trung cho hệ thống trường công.
“Hiện nay nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền ra cho con học tại các trường tư có cơ sở vật chất tốt, chất lượng giáo dục được bảo đảm. Vì thế, thành phố cần có nội dung tổng thể về quan điểm đầu tư cho các dự án giáo dục. Trong đó, đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa thì cần tập trung ngân sách đầu tư cho hệ thống các trường công, còn tại các quận có các vị trí đắc địa thì có thể đa dạng hóa giáo dục với việc tạo điều kiện cho hệ thống các trường tư phát triển, từ đó mới có thể giảm thiểu tình trạng quá tải tại các trường công”- đại biểu Vũ Thu Hà nếu ý kiến.