Thành tích đáng nể của nhà giáo trẻ nhận giải thưởng Khuê Văn Các
Công bố biểu trưng Giải thưởng Khuê Văn Các |
Thạc sĩ Trần Linh Huân, giảng viên khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu thành tích khủng với 45 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học trong nước (44 bài là tác giả chính); 3 báo cáo khoa học xuất sắc tại hội thảo/hội nghị quốc tế (Oral presentation); 11 sách chuyên khảo, chương sách thuộc lĩnh vực xét thưởng (đồng tác giả)….
Thạc sĩ Trần Linh Huân cùng các em học sinh |
Kết quả nghiên cứu từ công trình tiêu biểu của thạc sĩ (ThS) Trần Linh Huân giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cơ sở cần thiết để thúc đẩy, vận hành hiệu quả mô hình ngân hàng xanh và tận dụng những lợi ích do ngân hàng xanh mang lại.
Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học ThS Trần Linh Huân tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của trường, địa phương như: Chiến dịch tình nguyện hè, chia sẻ kiến thức tại các tọa đàm, hội thảo khoa học các cấp với cộng đồng khoa học và người dân...
TS Phan Tấn Lực, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh tế tài chính, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) có 21 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế (tác giả chính 5 bài báo thuộc danh mục Q1); 9 bài báo thuộc danh mục Q2; 4 bài báo thuộc danh mục Q3 là tác giả chính 3 bài; 11 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước (10 bài là tác giả chính)…
TS Phan Tấn Lực, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh tế tài chính, Trường Đại học Thủ Dầu Một |
Anh cũng có 6 sách chuyên khảo, chương sách thuộc lĩnh vực xét thưởng (5 sách, chương sách là tác giả chính được NXB uy tín trên thế giới xuất bản chuẩn ISSN). Nghiên cứu tiêu biểu của TS. Phan Tấn Lực đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chủ đề ý định khởi sự kinh doanh xã hội và là nền tảng lý thuyết vững chắc cho các nghiên cứu về ý định khởi sự kinh doanh xã hội trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách đề xuất các giải pháp nhằm làm tăng ý định khởi sự kinh doanh xã hội trong giới trẻ và giúp các tổ chức giáo dục xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp nhằm khuyến khích khởi sự kinh doanh xã hội, góp phần tạo ra giá trị xã hội bền vững.
Quá trình làm việc anh tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như: Tham gia đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương trong công tác phòng chống dịch COVID 19...
Thành tích của tiến sĩ (TS) Lê Trần Phước Mai Hoàng, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng khiến nhiều người nể phục. Sinh năm 1992, tiến sĩ trẻ đã có 10 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (7 bài là tác giả chính); 4 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q4/Scopus…
Tiến sĩ Mai Hoàng đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học |
Bên cạnh công tác giảng dạy, TS Mai Hoàng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như: Tổ chức các buổi toạ đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên, tổ chức quyên góp từ thiện tại Mái ấm Phúc Lâm..
Kết quả phân tích từ nghiên cứu nổi bật của TS Mai Hoàng đã xác định tám nhóm người chống xa xỉ trực tuyến: Người xa xỉ thực sự, người yêu thiên nhiên, người theo đuổi lối sống tối giản, người phản đối mua sắm, người tiêu dùng với kỳ vọng cao, người bảo vệ môi trường tự nhiên, người tiêu dùng chống phân biệt đối xử và người phản đối chính trị lịch sử. Giá trị thực tiễn của nghiên cứu đã nêu mức độ phản đối và sự tách biệt đối với các thương hiệu xa xỉ của từng nhóm được phân tích. Từ đó đề xuất các chiến lược tương tác để thương hiệu có thể tái kết nối với các nhóm này hoặc giảm thiểu sự phản đối của họ.
Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước, Phó Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế là một trong những tài năng trẻ đạt giải thưởng Khuê Văn Các.
Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước cùng đồng nghiệp |
Công trình tiêu biểu của thạc sĩ Hoàng Hữu Phước cung cấp cách nhìn mới về truyền thuyết Hồng Bàng, không chỉ từ góc độ lịch sử và nhân học mà còn thông qua lăng kính văn hóa - nghệ thuật. Nghiên cứu nhằm khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đã bị mai một. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc.
ThS Hoàng Hữu Phước, sở hữu 1 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q1 (tác giả chính); 1 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (tác giả chính); 06 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc gia (tác giả chính)
Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của địa phương như: Giảng dạy tình nguyện cho học sinh làng trẻ SOS và học sinh khu vạn đò ở thành phố Huế , sáng tạo mô hình "Lớp học hạnh phúc", thành lập Quỹ "Cùng em đến trường", đề xuất Sáng kiến "Ước mơ của mẹ"...
TS Phan Duy Anh, Giảng viên Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 25 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (12 bài là tác giả chính); 23 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc gia (15 bài là tác giả chính). Anh là tác giả của 6 sách chuyên khảo, chương sách thuộc lĩnh vực xét thưởng (3 sách, chương sách là tác giả chính)…
Tiến sĩ Phan Duy Anh |
Công trình nghiên cứu nổi bật của TS. Phan Duy Anh là “Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại”, khám phá mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong bầu cử và chu trình chính sách công ở Mỹ hiện đại.
Bận rộn với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng TS Phan Duy Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của trường, địa phương như: các hoạt động mùa hè xanh, tình nguyện chung sức vì cộng đồng, tham gia các hội thảo, toạ đàm về công tác thanh niên.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế - Chính trị Nhật Bản, Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là tác giả chính của 5 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế - Chính trị Nhật Bản, Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn |
Anh cũng có 1 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế (tác giả chính); 3 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc gia (tác giả chính)…. Công trình tiêu biểu của TS Nguyễn Vũ Kỳ: Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Nhật Bản (1965-1973) (tác giả độc lập).
Tiến sĩ trẻ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như: Tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh THPT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và chương trình ghi hình cung cấp thông tin ngành học cho phụ huynh, học sinh; kết nối với doanh nghiệp và chia sẻ thông tin, cơ hội việc làm cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tham dự cuộc thi "Bác Hồ trong trái tim tôi"; tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện...
Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I năm 2024 được trao cho 9 tài năng trẻ. Giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học trẻ Việt Nam không quá 35 tuổi đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc 6 ngành/liên ngành: Luật học, Giáo dục học, Kinh tế học, Văn hóa - Nghệ thuật, liên Triết học - Chính trị học - Xã hội học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đoàn tổ chức giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Giải thưởng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và triển khai Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời khẳng định vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển của đất nước. |