Tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quản lý trật tự xây dựng
Quyết liệt xử lý công trình vi phạm
Thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tồn tại không ít công trình xây dựng sai phạm nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do chủ đầu tư không hợp tác, cố tình thi công, sử dụng. Bất cập là chỉ khi có quyết định cưỡng chế, chính quyền địa phương mới có thể đề xuất ngừng cung cấp điện, nước. Khoảng thời gian từ đề xuất đến thực hiện thường kéo dài, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lợi dụng để tiếp tục vi phạm.
Trước thực trạng đó, ngày 22/7/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm” phải ban hành trước ngày 1/1/2025, để kịp thời có hiệu lực cùng với Luật Thủ đô.
Kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19) HĐND TP Hà Nội đã ban hành quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc ban hành quy định này giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu.
Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi xử lý cơ sở vi phạm sẽ giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn |
Lý giải về sự cần thiết ban hành quy định này, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, thời gian qua, vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy ngày càng phức tạp. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ đầu tư, người dân rất hạn chế, thậm chí lợi dụng kẽ hở pháp luật để tìm cách vi phạm.
Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm quy định quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Trong khi việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả vi phạm khó thực thi do thiếu quy định.
Đồng tình với các lý do trên, các chuyên gia về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy cho rằng: Khi xử lý các công trình vi phạm, UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng tiến độ chậm, xử lý không dứt điểm. Chủ đầu tư không tự giác khắc phục… nên việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của đối tượng vi phạm.
Phải có biện pháp phù hợp để giải quyết triệt để
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định từ Điểm a đến Điểm g Khoản 2".
Do vậy, việc Hội đồng Nhân dân thành phố ban bành Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp về thẩm quyền được Luật giao.
Đối tượng áp dụng là chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại khoản 2, Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.
Quy định gồm 10 điều đối với người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ảnh minh hoạ |
Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm:
Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Dự thảo quy định thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo hướng chủ yếu giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền áp dụng biện pháp này
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trịnh Duy Oai cho rằng: Việc cắt điện, nước là giải pháp hữu ích, hỗ trợ quá trình giải quyết vi phạm trật tự xây dựng. "Địa bàn huyện hiện có nhiều khu vực nông, lâm trường, quản lý đất đai phức tạp, phát sinh sai phạm về trật tự xây dựng nên rất cần có biện pháp mạnh mới giải quyết được vướng mắc", ông Trịnh Duy Oai nói.
Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng thông tin: Với vai trò quản lý lĩnh vực được UBND thành phố giao, các bộ phận chức năng của Sở Xây dựng đã có trách nhiệm tham mưu với thành phố xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Giải pháp xử lý quyết liệt này chắc chắn sẽ giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu.