Thầy và trò Yên Bái nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai
Sở TN&MT Yên Bái nỗ lực khắc phục thiệt hại sau lũ Yên Bái: Muộn nhất 18/9, các điểm trường sẽ trở lại hoạt động bình thường Báo Tuổi trẻ Thủ đô hỗ trợ người dân vùng lũ Yên Bái |
Ngành giáo dục Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những hậu quả tàn khốc tại tỉnh Yên Bái, để lại đau thương với thiệt hại về người và tài sản, cùng sự tàn phá nặng nề đối với cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân.
Kể từ đêm 6/9 đến ngày 11/9, lượng mưa lớn không ngừng trút xuống, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên toàn tỉnh. Bão và mưa lũ đã khiến 54 người chết và mất tích, 42 người bị thương và hàng nghìn ha hoa màu bị ngập chìm. Tổng thiệt hại sơ bộ của toàn tỉnh ước tính vượt ngưỡng 4.600 tỷ đồng, cao hơn cả tổng thu ngân sách của Yên Bái trong năm 2023.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Yên Bái. Ảnh tư liệu |
Trong số các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, huyện Trấn Yên là một trong nhiều vùng tâm lũ tại Yên Bái. Những khó khăn sau bão lũ không chỉ dừng lại ở thiệt hại về vật chất và sinh kế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực giáo dục – trụ cột quan trọng trong việc phát triển thế hệ tương lai của tỉnh.
Bão và lũ lụt đã làm tê liệt hoạt động của nhiều trường học, gây khó khăn lớn cho hàng nghìn học sinh và giáo viên. Các trường học tại các vùng lũ nặng nề như huyện Trấn Yên đang phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong đó, Trường Mầm non xã Việt Thành, Trường Tiểu học - THCS Tân Đồng, cùng nhiều trường khác tại Trấn Yên đã chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất.
Giáo viên và học sinh tại các khu vực này không chỉ mất đi điều kiện dạy và học mà còn phải đối mặt với khó khăn trong đời sống hàng ngày. Nhiều giáo viên và học sinh có gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ, nhà cửa bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, mất đi phương tiện sinh sống. Các em học sinh, đặc biệt là tại những vùng nông thôn, không chỉ bị gián đoạn việc học mà còn thiếu thốn về trang thiết bị học tập và nhu yếu phẩm.
Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các đối tác, nhà hảo tâm trao nguồn lực hỗ trợ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái |
Dù chính quyền và các đoàn thể cứu trợ đã có nhiều nỗ lực để khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ đời sống cho người dân, ngành giáo dục tại Yên Bái vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc khôi phục lại các điểm trường, cung cấp trang thiết bị dạy học và đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh là một thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái, tập trung vào việc khôi phục các công trình thiết yếu, bao gồm trường học. Tuy nhiên, quá trình khắc phục sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa để có thể đảm bảo điều kiện giáo dục cho các em học sinh tại đây được trở lại bình thường.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Yên Bái, cho biết: "Hiện nay, toàn tỉnh đã có khoảng 1.000 đoàn hỗ trợ, tiền hỗ trợ cũng khoảng 70 tỷ. Riêng Thủ tướng đã phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái, trong đó tập trung vào khôi phục công trình thiết yếu. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái quyết định, những người chết và người mất tích hỗ trợ 25 triệu đồng, bị thương 5 triệu đồng, nhà sập hoàn toàn hỗ trợ 60 triệu đồng, nhà hư hỏng nặng hỗ trợ 30 triệu đồng.
Sau cơn bão số 3, một số chỉ tiêu của Yên Bái sẽ giảm, trong đó có chỉ tiêu giảm nghèo và cận nghèo; chỉ tiêu hạnh phúc (đang dẫn đầu cả nước) cũng sẽ bị ảnh hưởng; tiêu chí về môi trường…
Tuy nhiên, mối quan hệ trong cộng đồng, tình cảm giữa con người với con người lại được nhân lên qua sự chung tay, hỗ trợ lẫn nhau giữa người dân Yên Bái; đồng thời là sự hỗ trợ, yêu thương từ hàng triệu mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Điều này là nguồn động viên to lớn dành cho Nhân dân Yên Bái thêm nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, trở lại cuộc sống thường nhật".
Thầy và trò nỗ lực khắc phục sau thiên tai
Cơn bão số 3 vừa qua đã để lại những tổn thất nặng nề trên khắp tỉnh Yên Bái và đặc biệt tại huyện Trấn Yên, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngôi trường đã bị thiên tai tàn phá nặng nề, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình dạy và học.
Đáng chú ý, tại Trường Tiểu học – THCS Tân Đồng (huyện Trấn Yên), đất đá từ quả đồi cạnh trường đã sạt lở, che lấp một phần lớn khuôn viên trường học, gây thiệt hại đáng kể.
Theo ghi nhận, hơn 150m3 bùn đất đã phủ kín sân trường, làm sập nhà để xe và khiến tường của một số phòng học bị thủng, ảnh hưởng đến cấu trúc của tòa nhà lớp học. Các công trình khác cũng bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa dài ngày, khiến cơ sở vật chất của trường gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Hiện trường vụ sạt lở tại trường Tiểu học - THCS Tân Đồng |
Hơn 150 mét khối đất đá phủ trùm lên sân trường, gây sụt lún các tòa nhà trong khuôn viên |
Lớp học bị lấp đầy trong đất đá, gạch vụn |
Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học -THCS Tân Đồng, chia sẻ, trong số các học sinh tại trường, có 50 em có hoàn cảnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, trong đó 4 em đã mất nhà cửa, phải tạm trú nhờ tại nhà người thân. Nhà trường đang nỗ lực hết sức để đưa 100% học sinh trở lại lớp học.
"Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên, chúng tôi rất lo lắng khi thấy thiếu vắng 30 em. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng giao thông và cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, khiến các em chưa thể đến trường.
Hiện tại, chúng tôi được sự hỗ trợ của UBND xã Tân Đồng, các trường học lân cận... về cơ sở vật chất và đặc biệt là phòng học cho các em. Sự đồng lòng và hợp tác giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng địa phương đã giúp đỡ nhiều em học sinh nhanh chóng trở lại học tập, khôi phục lại nhịp sống học đường", cô Nguyễn Thị Thu nói.
Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao hỗ trợ đến thầy và trò Trường TH-THCS Tân Đồng |
Không chỉ tại Tân Đồng, Trường THPT Lê Quý Đôn cũng gặp phải những khó khăn không kém khi nước lũ dâng cao, ngập toàn bộ khuôn viên trường.
Ông Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nước đã ngập sâu gần 1m8, mang theo bùn đất tràn vào các lớp học. Học sinh và giáo viên đã cùng nhau vượt qua những ngày vất vả khi vừa quay lại trường đã phải bắt tay vào công việc dọn dẹp.
Tuy khó khăn, các bạn học sinh vẫn rất nhiệt tình và vui vẻ khi được cùng các thầy cô thu dọn trường lớp. Vừa dọn dẹp, những cô cậu thế hệ Alpha vừa cười đùa, kể chuyện chống lũ tại nhà cho nhau nghe |
Bàn ghế bị đất bùn, nước bẩn bám vào đã được lau dọn nhanh chóng |
Tất bật trong công tác phục hồi cơ sở vật chất |
Ông Bùi Văn Xuân xúc động chia sẻ: “Toàn trường có khoảng 880 học sinh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt, cùng với 49 giáo viên cũng bị thiệt hại về nhà cửa. Đến ngày 16/9, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức và cá nhân.
Tính đến nay, 96% học sinh đã quay lại lớp học, đó là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm, động viên của Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Trấn Yên. Sự giúp đỡ này đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô và các nhà hảo tâm đã chung tay quyên góp các trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống, công tác dạy và học của thầy và trò Yên Bái |
Trường Mầm non xã Việt Thành cũng không ngoại lệ khi thiên tai đã làm ngập gần hết nhà của 207 học sinh và làm hư hỏng nhà cửa của 24 giáo viên.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, mặc dù hiện tại các em học sinh mầm non vẫn chưa thể trở lại trường, nhưng nhà trường đang tích cực dọn dẹp và sửa chữa cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn, với mục tiêu đón các em trở lại trường vào ngày 19/9 hoặc chậm nhất là 23/9.
Bà Thúy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cơ quan, ban ngành và bạn đọc đã quan tâm, động viên tập thể cô và trò vượt qua những khó khăn sau thiên tai: “Tình cảm và sự hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi cố gắng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định hoạt động dạy và học”.
Dù đang khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Yên Bái và các đoàn cứu trợ vẫn không quên những món quà Trung thu cho các em nhỏ |
Hậu quả mà bão số 3 gây ra với ngành giáo dục tỉnh Yên Bái không chỉ dừng lại ở thiệt hại vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tinh thần của giáo viên và học sinh.
Những nỗ lực phục hồi, vượt qua khó khăn của thầy cô và học sinh chính là những tia hy vọng sáng giữa bối cảnh đầy gian khó, với mục tiêu đưa giáo dục trở lại bình thường để các em có thể tiếp tục hành trình học tập của mình.