Thế giới đang chịu đựng cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có
Dịch bệnh Covid-19 và những di chứng lâu dài Vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở Đông Nam Á giữa đại dịch Miễn dịch cộng đồng có giúp đẩy lùi Covid-19? |
Ô tô xếp hàng chờ được giao khoai tây dư thừa và các mặt hàng miễn phí khác, bao gồm sữa, ngũ cốc, nông sản, thịt xông khói… ở Kennewick, Washington, Mỹ, ngày 8/5 (Ảnh: Bloomberg) |
Báo động tình trạng mất an ninh lương thực
Theo ước tính của tổ chức Oxfam (một liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công), cuối năm nay sẽ có tới 12.000 người thiệt mạng mỗi ngày vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hơn số người chết vì nhiễm virus.
Sự gia tăng đột biến này diễn ra vào thời điểm thặng dư lương thực toàn cầu tăng nhanh. Nó đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới với mức dự báo mới về tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia từng được đánh giá là ổn định.
Ở quận Queens, New York, Mỹ, nhiều người xếp hàng dài tại ngân hàng lương thực suốt 8 tiếng đồng hồ để chờ được phân phát thực phẩm.
Ở Uganda, chuối và cà chua đang chất đống ở các khu chợ ngoài trời với giá cả gần như cho không. Tuy nhiên, không ai có thể mua nổi vì hầu hết những người lao động ở đây đang mất việc làm do dịch bệnh.
Nguồn cung gạo và thịt vẫn bị mắc kẹt tại các cảng vào đầu năm nay do đại dịch khiến việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn ở nhiều nước như Philippines, Trung Quốc và Nigeria. Tại một số khu vực như Nam Mỹ, Venezuela đang đứng trước bờ vực của nạn đói.
Mariana Chilton, Giám đốc của trung tâm chống nạn đói tại Đại học Drexel, Mỹ cho biết: “Chúng ta sẽ thấy những “vết sẹo” của cuộc khủng hoảng lương thực này trong nhiều thế hệ về sau. Đến năm 2120, chúng ta vẫn sẽ nhắc đến nó”.
Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra tình trạng bất bình đẳng xã hội sâu sắc nhất trên thế giới. Sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ rệt khi những người giàu nhất tiếp tục gia tăng tài sản với tốc độ chóng mặt bởi một số thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, hàng triệu người lao động trên toàn cầu bị sa thải và không có đủ tiền để lo cho gia đình.
Nghịch lý của vấn đề
Trong khi nhiều người bị đói, các chủ trang trại chịu lỗ phải vứt bỏ nông sản vì chẳng ai mua hàng, giá lương thực tại nhiều nơi lại đi lên vì hệ thống vận chuyển bị đình trệ, đồng tiền thì mất giá sau những gói cứu trợ khổng lồ của Chính phủ.
Tại nhiều nơi ở nước Mỹ, những nông dân ở bang California lại để rau héo ngoài đồng còn các trang trại ở thủ đô Washington thì để quả thối rữa trên cây vì chẳng có ai thu hoạch mùa dịch.
Chi phí và các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và kho vận khiến nguồn thực phẩm dư thừa không dễ dàng phân phối đến các khu vực đang thiếu. Tại Bỉ, do các kho lạnh không còn sức chứa trong đại dịch Covid-19, các siêu thị buộc phải ngừng mua khoai tây của nông dân.
Xe tải chở hàng bị nghẽn do dịch Covid-19 trên đường cao tốc gần biên giới Hà Lan và Bỉ, ngày 26/3 (Ảnh: Bloomberg) |
Có đến 750.000 tấn khoai tây bị dư thừa và một phần lớn trong số đó được chế biến thành thức ăn cho gia súc hoặc để sản xuất khí biogas.
“Thật không dễ để đưa lượng sữa bò dư thừa ở bang Wisconsin (Mỹ) đến những người dân đang thiếu đói ở Malawi (một quốc gia thuộc Đông Phi). Điều đó là không thực tế chút nào”, William Moseley, Giáo sư địa lý ở Đại học Macalester (Mỹ), nói.
Bên cạnh nền kinh tế bất ổn, tình trạng phong tỏa đất nước và chuỗi cung ứng bị phá vỡ cũng đã tạo ra một vấn đề nghiêm trọng cho hệ thống phân phối thực phẩm. Sự thay đổi đột ngột thói quen ăn uống tại nhà hàng - nơi từng chiếm hơn một nửa nhu cầu ăn uống của người dân Mỹ đã khiến hàng loạt nhà hàng phải đóng cửa. Kéo theo đó, nhiều nông dân Mỹ phải đổ bỏ sữa bò và vứt bỏ trứng gà vì không thể ngay lập tức tái điều chuyển các mặt hàng nông sản của họ đến các siêu thị thực phẩm hoặc những nơi khác cần chúng.
Don Cameron - chủ một trang trại ở California cho biết, anh đã thua lỗ khoảng 55.000 USD trong vụ mùa bắp cải năm nay. Khoảng 50% thâm hụt đó là do quyết định quyên góp bắp cải cho ngân hàng lương thực sau khi khách hàng quen không mua nữa.
Mặc dù quyên góp nhưng anh Cameron vẫn phải thanh toán chi phí cho nhân công thu hoạch, vận chuyển cũng như mua thùng carton đựng bắp cải. Chi phí này đắt hơn nhiều so với việc cứ để cây trồng bị thối rữa trên đồng ruộng.
“Chúng tôi biết rằng nhiều vùng của nước Mỹ đang cần nông sản nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được thiết lập lại như hiện nay không cho phép điều đó xảy ra”, anh Cameron nói trong khi vẫn phải để mặc 50.000 tấn bắp cải héo rũ ngoài đồng do ngân hàng lương thực gần đó chẳng thể chi trả các chi phí thu hoạch cho anh.
Hệ quả lâu dài
Các dự báo ban đầu của Liên hợp quốc cho thấy trong trường hợp xấu nhất, khoảng một phần mười dân số thế giới sẽ không đủ ăn trong năm nay. Tác động của đại dịch không chỉ là nạn đói vì hàng triệu người khác cũng có khả năng phải trải qua các hình thức mất an ninh lương thực khác, bao gồm cả việc không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và béo phì.
Hệ quả tác động sẽ lâu dài. Ngay cả trong những dự báo tích cực nhất, Liên hợp quốc cũng dự đoán nạn đói sẽ lớn hơn so với dự báo trước đại dịch. Đến năm 2030, số người suy dinh dưỡng trên toàn thế giới có thể lên tới 909 triệu người, so với kịch bản trước Covid là khoảng 841 triệu người.
Tình nguyện viên ở New York phân phát hộp lương thực cho người dân từ ngân hàng thực phẩm (Ảnh: Reuters) |
Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực thế giới thuộc Liên hợp quốc, cho biết, cuộc khủng hoảng hiện nay là một trong những thời điểm “hiếm hoi nhất” mà khả năng tiếp cận nguồn lương thực trên thế giới bị hạn chế.
Tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến con người. Nó có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, hạn chế khả năng vận động và thậm chí làm suy giảm chức năng của não. Trẻ em bị suy dinh dưỡng sớm trong cuộc đời có thể phải chịu những tác động ở tuổi trưởng thành.
Các vấn đề về phát triển thể chất và nhận thức ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể cản trở cơ hội tiếp tục đi học hoặc kiếm việc làm. Do đó, thế hệ này trong tương lai có thể lại tiếp tục chu kỳ nghèo đói.
Nạn đói còn có thể gây ra những thay đổi trong chính trị. Tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến người dân xuống đường đòi hỏi những điều kiện tốt hơn. Việc Chính phủ không đảm bảo nguồn cung lương thực có thể kích động gây ra các cuộc biểu tình diễn ra ở Chile hay Liban vào đầu năm nay.
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy nguồn cung lương thực trên thế giới quá thừa để đáp ứng nhu cầu cho mỗi người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà ngay cả nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ vẫn có gần 2% dân số, tương đương hơn 5 triệu người không thể ăn như ý muốn; Hiện hơn 3 triệu người Mỹ chẳng có đủ lương thực cơ bản hằng ngày.