Thế giới ghi nhận trên 103 triệu ca nhiễm Covid-19
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 (Ảnh: Getty) |
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (119.502 ca), Brazil (57.498 ca) và Pháp (24.392 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.418 ca), tiếp theo là Anh (1.200 ca) và Brazil (1.170 ca).
Trước tình hình đó, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã ban bố quy định yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng giữa các bang và tại các trung tâm trung chuyển, bao gồm máy bay, taxi và tàu hỏa.
Quy định bắt đầu từ tối 1/2, áp dụng cả với các phương tiện đi chung và tàu điện ngầm. Việc không đeo khẩu trang theo yêu cầu sẽ bị coi là vi phạm luật pháp liên bang.
Tại Nam Mỹ, Colombia là nước bị ảnh hưởng thứ hai sau Brazil và hiện đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong khi Argentina và Peru đều có hơn 1,1 triệu ca với số ca tử vong lần lượt là 47.775 ca và 53.284 ca. Chile đang đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng với 718.749 ca nhiễm và 18.257 ca tử vong
Tại châu Âu, Nga, Anh và Pháp đều đã ghi nhận trên 3,1 triệu ca nhiễm, trong đó Nga có nhiều nhất là 3.832.080 ca. Tuy nhiên, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu lục với 104 nghìn ca, Italy đứng thứ hai với trên 87 nghìn ca tử vong.
Hơn một nửa số dân thủ đô nước Nga đã nhiễm virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Vladimir Gerdo / TASS) |
Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin cho biết hơn một nửa số dân thủ đô nước Nga đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đức cho biết nước này đang đặt mua vắc-xin ngừa Covid-19 cho năm 2022 phòng trường hợp cần sử dụng để người dân có thể hoàn toàn miễn dịch với các biến thể của virus gây đại dịch Covid-19.
Tuyên bố của Đức được đưa ra trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đối mặt với sự chỉ trích về việc khan hiếm nguồn cung vắc-xin khi các công ty như AstraZeneca, Pfizer và Moderna đều thông báo cắt giảm lượng vắc-xin bàn giao cho các nước Châu Âu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, đang đối mặt với đợt phong tỏa thứ hai kể từ tháng 11/2020, trong khi số người được tiêm chủng so với số dân (2,2%) thấp hơn nhiều nếu so sánh với tốc độ tiêm chủng ở Anh (12% dân số), Israel (34%) và Mỹ (gần 7%).
Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất với trên 1 triệu ca và 29.728 ca tử vong, tiếp theo là Philippines đứng thứ hai với trên 523 nghìn ca nhiễm với 10.669 ca tử vong.
Malaysia ngày 30/1 đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới cao nhất, với 5.728 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên trên 209 nghìn ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong mới trong 24 giờ qua.