Thêm nạn nhân "sập bẫy" công an “rởm” gọi điện đe doạ, yêu cầu chuyển tiền
Công an tỉnh Bắc Giang vừa cho biết, mới đây một điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với cán bộ của cửa hàng Viettel Lục Ngạn kịp thời ngăn chặn một phụ nữ định chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng mạo danh công an gọi điện đe doạ, không chế tâm lý…
Cụ thể, trưa 30/8, Thượng úy Lưu Văn Ngọc - Điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhận được tin báo của chị Lâm Thị Liên, Trưởng cửa hàng Viettel Lục Ngạn về việc có một người phụ nữ đang muốn chuyển số tiền 115 triệu đồng cho một số tài khoản lạ, có biểu hiện lo lắng, sợ hãi.
Sau khi nhận được thông tin trên, Thượng úy Ngọc đã báo cáo lãnh đạo, đồng thời di chuyển lên cửa hàng Viettel tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, gặp gỡ, động viên tinh thần và mời người phụ nữ trên về Công an huyện làm việc. Sau đó, Thượng úy Ngọc đã tiếp nhận lại số tiền 115 triệu đồng người phụ nữ trên đang có ý định chuyển cho người lạ.
Thượng úy Lưu Văn Ngọc trao lại số tiền bà H định chuyển vào tài khoản của các đối tượng giả danh công an gọi điện đe doạ, lừa đảo |
Tại cơ quan công an, người phụ nữ trên cho biết tên là H (SN 1963, ở xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn). Ngoài ra, bà H cũng thông tin, sáng cùng ngày được một người đàn ông gọi điện và tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, nghi vấn bà H liên quan tới vụ án buôn bán ma túy.
Người tự xưng cán bộ công an này có yêu cầu bà H phải chuyển hết tiền trong sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính và bị các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện đe dọa, trấn áp về tinh thần của bà H.
Sau đó, Thượng úy Ngọc giải thích chi tiết, cặn cẽ về việc các đối tượng đang dùng thủ đoạn để nhằm chiếm đoạt số tiền của bà H. Khi nghe giải thích bà H đã nhận ra thủ đoạn của các đối tượng, đồng thời cảm ơn Thượng úy Ngọc và chị Liên đã giúp bà không mất số tiền trên. Ngay sau đó, Thượng úy Ngọc đã liên hệ gia đình để trao trả lại số tiền và đưa bà H về gia đình.
Qua sự việc trên, Công an huyện Lục Ngạn khuyến cáo người dân cảnh giác trước mọi thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cảnh giác với mọi thông tin có thể gây bất lợi cho bản thân. Đồng thời liên hệ Công an xã nơi gần nhất để được tư vấn, giải thích.
Cùng với thủ đoạn trên, một phụ nữ ở quận Long Biên, Hà Nội đã bị các đối tượng lừa đảo, khống chế tâm lý, đem bán vàng để chuyển tiền vào tài khoản cho các đối tượng. Cụ thể, ngày 30/8, Công an phường Sài Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của bà N (SN 1951, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà N có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà N có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà phải chuyển tiền để phục vụ điều tra.
Do lo sợ nên bà N đã mang 13 chỉ vàng tích góp đi bán rồi chuyển gần 100 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó bà phát hiện bị lừa và đã ra cơ quan Công an trình báo.
Cũng liên qua đến việc giả danh công an lừa đảo, trước đó, Công an phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của chị Trịnh Thị L về việc mẹ chị là bà Nguyễn Thị Q (76 tuổi) bị đối tượng giả danh Công an lừa mất số tiền 145 triệu đồng.
Theo trình báo của chị L, khoảng 11h, ngày 24/7 khi bà Q đang ở nhà với cháu ngoại thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người này tự xưng là "Thượng tá Công an Trần Thanh Sơn". Đối tượng giả danh nói rằng, vừa triệt phá một đường dây ma túy lớn và các đối tượng khai bà Q có nhận tiền hoa hồng từ tổ chức này.
Các đối tượng dọa bà Q rằng hiện nay các đối tượng trong đường dây đang tìm bà để đòi lại số tiền đã chuyển. Kẻ mạo danh đe dọa đây là những đối tượng rất nguy hiểm, có thể khiến tính mạng bà Q bị nguy hiểm; Đồng thời yêu cầu bà Q nộp lại số tiền đã nhận. Ngoài ra, các đối tượng còn nói để tránh mất tài sản vào tay những kẻ nguy hiểm này, bà phải chuyển tất cả tiền bạc cho Công an.
Mặc dù phủ nhận không nhận tiền của ai nhưng bà Q lúc đó cũng vô cùng hoảng sợ và lo lắng số tiền đang gửi ở ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt nên bà đã làm theo những gì "Thượng tá Sơn" hướng dẫn.
Chiều 24/7, bà Q ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm 100 triệu đồng và chuyển ngay vào tài khoản có tên Tran Thanh Son. Chưa dừng lại ở đó, bà Q về nhà bán hết số vàng tích cóp được bấy lâu gửi tiếp 45 triệu đồng nữa. Đối tượng còn hướng dẫn bà Q ghi rõ "Chuyển cho con rể mượn".
Khi đi làm về, chị L thấy mẹ có vẻ mệt mỏi, lo lắng, cả buổi tối cứ ôm khư khư điện thoại đi vào đi ra, biểu hiện rất khác thường. Gặng hỏi mãi, cuối cùng bà Q mới kéo con gái vào trong nhà vệ sinh, xả nước thật to rồi nói: “Nhà mình bây giờ bị lắp camera theo dõi khắp nơi, máy ghi âm cũng bị đặt mọi chỗ. Nói chuyện nhỏ thôi không bọn xã hội đen biết hết sẽ giết cả nhà”.
Bà Q kể tiếp: "Thượng tá Sơn nói bọn buôn bán ma túy đã vây kín nhà mình và theo dõi mọi động tĩnh. Tình hình hiện nay rất nguy cấp. Tiền và vàng mẹ đã chuyển cho Công an bảo vệ nhưng còn tính mạng…". Đến lúc này, chị L mới biết mẹ mình đã bị sập bẫy của "Công an rởm".
Đáng chú ý, sau khi lừa được số tiền lớn, chúng vẫn tiếp tục gọi điện đe dọa. Khi chị L cầm máy và vạch mặt chúng, đối tượng còn thách thức chị L đi trình báo cơ quan chức năng.
Dưới tác động của việc thao túng tâm lý, hiện tại bà Q không hề bận tâm đến số tiền đã mất mà lúc nào cũng ám ảnh có người đang theo dõi để làm hại mình. Bà không dám bước ra khỏi nhà vì cứ mở cửa là… thấy người theo dõi.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; Tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.