Đừng để mất tiền, mất mạng vì sập bẫy “việc nhẹ lương cao”
Cảnh giác với những "cú lừa" trên mạng Cảnh giác với tuyển cộng tác viên, chốt đơn qua mạng xã hội lợi nhuận cao |
Nỗi đau "sập bẫy"
Theo gia đình nữ sinh mất tích và tử vong kể lại, cuối năm 2022, nữ sinh này thỉnh thoảng mua một số mặt hàng trên mạng. Tuy nhiên, chỉ đến khi tìm thấy các vật dụng của cô, đặc biệt là kiểm tra thông tin trong điện thoại thì gia đình mới biết là gần đây cô đã bị một số đối tượng lừa mua bán gian hàng ảo, cũng như mặt hàng trên mạng.
Theo người thân của nữ sinh, cô đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 130 triệu đồng vào ngày 4/2/2023. Số tiền này là tiền nữ sinh lấy của bố mẹ và cầm cố xe máy cho một tiệm cầm đồ để chuyển tiền vào tài khoản cho kẻ lừa đảo, hy vọng nhận lại được tiền gốc đã đặt cọc cùng hàng hóa. Gia đình đã dùng điện thoại của nữ sinh để liên lạc theo số điện thoại cũng như tài khoản mạng xã hội của đối tượng không rõ danh tính nhưng mọi liên lạc đều bị ngắt và chặn. Nhiều người cho rằng, có lẽ do cô sợ bị lộ chuyện nên đã tự tử.
Nhiều người cho rằng, nữ sinh Hải Phòng đã tự tử sau nghi án bị lừa mua bán gian hàng qua mạng |
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, mới đây, chị Nguyễn Thị T (sinh năm 1989, ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trình báo bị lừa 1,1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức “nghe nhạc được trả tiền” trên ứng dụng Zingmp3.
Theo đó, sau khi nhận được 50 nghìn đồng hoa hồng khi “thả tim”, chị T tin tưởng và tiếp tục làm theo yêu cầu mới của đối tượng. Nghe theo lời dẫn dắt cũng như những lý do mà đối tượng đưa ra như số tài khoản ngân hàng bị sai, sai nội dung chuyển khoản khi nộp tiền vào, chuyển tiền để xác minh tài khoản ngân hàng…, chị T đã liên chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Đến khi không còn khả năng vay mượn tiền nữa thì chị T mới tá hoả tố giác ra cơ quan công an.
Chị Nguyễn Thị Trang (34 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa bị lừa đảo 100 triệu đồng và rơi vào cảnh nợ nần. Dù đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm nhưng chị Trang vẫn bị “sập bẫy” của bọn lừa đảo tuyển dụng làm thêm qua mạng.
Vì muốn kiếm thêm thu nhập với lời mời gọi kiểu “việc nhẹ lương cao”, chị đã bị lừa qua app và đặt cọc tiền hàng qua mạng; làm content, bình chọn ca sĩ yêu thích trên ứng dụng Zingmp3. Sau khi biết bị lừa, bản thân chị cũng chưa lý giải được tại sao mình lại cả tin, “ngây thơ” đến thế khi đã có rất nhiều va chạm và kinh nghiệm trong công việc cũng như cuộc sống.
Chị Trang chia sẻ: “Giờ trên mạng động tí là lừa đảo, bọn chúng lừa ngày càng tinh vi, luôn giở những chiêu trò mới, còn đưa ra mã QR, nhiều người quét xong phát bị lừa mãi mới biết. Tôi đã có một bài học xương máu và từ bây giờ phải cảnh giác cao độ”.
Cần nhận biết, cảnh giác cao độ
Theo các chuyên gia việc làm, có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến các bạn trẻ, sinh viên và những người ít va chạm xã hội. Nguy hiểm nhất là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều người bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây hoang mang và hành động dại dột dẫn đến mất mạng.
Bạn trẻ chia sẻ sau khi bị "sập bẫy" lừa đảo làm việc qua mạng |
Hình thức lừa đảo tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" được biểu hiện ở các bài đăng tin tuyển dụng thường đặt dưới các tiêu đề như: "Tuyển cộng tác viên cho Shopee, Tiki, Lazada, Sendo"; "Tuyển cộng tác viên tạo tương tác cho dự án hợp tác giữa Shopee với các chủ gian hàng", "Làm việc tại nhà với mức lương lên đến 500-700k/ngày"; "Kiếm 10-20 triệu đồng/tuần không hề khó"...
Các bài đăng tuyển dụng lừa đảo thường mô tả công việc rất tốt, nhẹ nhàng, có thể làm việc tại nhà. Mức lương dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng trong một tháng, hoặc hoa hồng lớn. Có các yêu cầu chuyển tiền, trả phí cho các khoản thu trước khi làm nhân viên chính thức như: Tiền đặt cọc để đảm bảo trách nhiệm làm việc với công ty; Phí phát hành thẻ nhân viên chính thức…
"Người tuyển dụng" chủ động nhắn tin cho người lao động đang muốn tìm việc làm thông qua số điện thoại, facebook, các trang web tuyển dụng và tiến hành các bước lừa đảo. Đối với việc tuyển cộng tác viên tạo lượt mua hàng giả thì khi đã trở thành cộng tác viên, đối với các đơn hàng đầu tiên, giá trị nhỏ, việc hoàn tiền và hoa hồng được thực hiện ngay lập tức đúng như cam kết để tạo lòng tin.
Tuy nhiên, đối với đơn hàng sau, nạn nhân sẽ được cho thêm yêu cầu… đến khi nạn nhân đã bị lừa chuyển một khoản tiền đủ lớn hoặc không còn khả năng thanh toán các đơn hàng khác nữa thì "nhà tuyển dụng" sẽ cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân, ôm số tiền lừa được biến mất…