Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Phật không phải thần linh mà là người có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập (Kỳ 29)
"Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập", thiền sư Thích Nhất Hạnh nói.
* Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về hạnh phúc: Cha mẹ là Bụt, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác (Kỳ 28)
- Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa thiền sư! Có một điều khiến tôi và có lẽ không ít người băn khoăn là tại sao thiền sư hay dùng chữ “đạo Bụt” mà không phải là “đạo Phật” như mọi người thường dùng?
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh:Sở dĩ chúng tôi dùng chữ đạo Bụt mà không dùng chữ đạo Phật vì chúng tôi nghĩ rằng chữ Bụt có tính dân tộc hơn chữ Phật. Các nước chung quanh chúng ta đều còn gọi Buddha là Bụt. Dân Việt Nam cho đến thế kỷ thứ XIII- XIV vẫn còn gọi Buddha là Bụt.
Chỉ từ khi quân Minh sang chiếm nước ta, chúng ta mới bắt đầu bắt chước họ gọi là Phật thôi. Nếu bạn đọc bài phú Nôm “Đắc thú long tuyền thành đạo ca” của vua Trần Nhân Tông, bạn sẽ thấy rằng ngài vẫn dùng chữ Bụt. Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm - ngài Huyền Quang cũng dùng chữ Bụt.
Thiền sư Khuy Cơ là đệ tử lớn của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang nói: “Chữ Buddha đáng lý phải dịch là Bụt Đà nhưng người ta đã dịch lầm là Phật”. Chính những vị cao tăng bên Trung Quốc đời Đường đã thấy. Như vậy, sự sai lầm của một nước không có lý gì một nước khác cũng phải sai lầm theo! Chúng tôi đã cương quyết sử dụng chữ Bụt và đạo Bụt. Nếu chúng ta cần dùng danh từ Hán Việt thì chúng ta dùng Phật giáo, còn nếu đạo là đạo Bụt.
Ngày Phật đản hay là ngày đản Bụt, Phật tử hay là con Bụt. Như vậy ngôn ngữ của chúng ta được giàu có thêm lên vì chúng ta không bỏ chữ Phật mà chúng ta phục hồi được chữ Bụt. '
Trong tác phẩm “Đường xưa mây trắng”, chúng tôi sử dụng chữ Bụt và chữ Bụt có vẻ thân thương, gần gũi hơn chữ Phật nhiều lắm. Chắc bạn cũng biết rõ là trong kho tàng truyện cổ tích, ca dao của nước ta, dân chúng vẫn còn duy trì cách gọi Buddha là Bụt.
- Cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, thiền sư được người đời tôn vinh là một trong hai lãnh tụ tinh thần nổi tiếng thế giới. Thiền sư có thể lý giải vì sao Phật giáo lại được chấp nhận và ngày càng phát triển ở những vùng đất như châu Âu, nước Mỹ, nơi các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành... đã bám rễ rất sâu, rộng?
- Tôi nghĩ một phần vì những cố gắng hiện đại hóa Cơ đốc giáo, Do Thái giáo chưa thành công lắm, trong khi chúng tôi thành công trong sự hiện đại hóa đạo Phật. Đến nay, đạo Phật đã có trên 25 thế kỷ.
Ở phương Tây, đạo Phật được chúng tôi trình bày với ngôn ngữ mới, dễ hiểu, gần gũi với con người của thời đại, đưa ra những pháp môn tu tập rất thực tế để giúp mỗi cá nhân tháo gỡ những khó khăn ngay khi tu tập. Có những người đã từng là linh mục nhưng đạo Phật đã giúp họ tìm ra biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn.
Ví dụ như mục sư Cyber Lee ở Houston, Texas. Nhờ đọc sách của tôi, áp dụng sự thực tập học ở trong sách mà chữa lành bệnh ung thư, nên sau đó đã xin thụ trì 5 giới, quy y tam bảo mà không thấy có sự mâu thuẫn gì giữa đức tin Cơ đốc giáo của bản thân với tuệ giác đạo Phật. Sau đó vị mục sư này đến làng Mai tu học 3 tháng mùa đông, tiếp tục tu học cho đến khi thành một vị giáo thọ của làng Mai, tức là người có khả năng mở những khóa tu theo giáo lý đạo Phật.
Vị mục sư này đã viết thư cho bề trên, đề xuất nguyện vọng muốn được vừa làm mục sư, vừa làm giáo thọ đạo Phật, trong trường hợp bề trên không cho thì sẽ chỉ làm giáo thọ đạo Phật. Chúng tôi được tin là bề trên đã đồng ý cho ông vừa làm mục sư, vừa làm giáo thọ. Sáng chủ nhật thì ông giảng bài cho con chiên, buổi chiều thì hướng dẫn thiền tập cho mọi người, trong đó có cả những người trong nhà thờ.
Chúng tôi không nghĩ phải từ bỏ đạo Thiên chúa hay Do thái mới theo được đạo Phật vì đạo Phật không phải chỉ là tôn giáo tín ngưỡng mà còn là nguồn tuệ giáo sâu sắc mà bất cứ ai cũng có thể thừa hưởng để tháo gỡ những khó khăn trong đời sống nội tâm, giúp cho đời sống an lạc, hạnh phúc.
- Với đạo Phật ở Việt Nam, phần lớn các Phật tử mới thực tập tín mộ, tín ngưỡng, chứ ít người sử dụng được tuệ giác đạo Phật để chuyển hóa thân tâm, tháo gỡ những khó khăn. Tôi tin, cầu nguyện cũng phần nào đem lại sự an lạc vì giúp lắng dịu những khổ đau, lo lắng. Nhưng muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có tuệ giác. Vậy làm thế nào để có tuệ giác của Bụt?
- Tuệ giác phải do tu tập mới có được. Ở Tây phương, chúng tôi đã và đang xướng xuất phong trào Phật học ứng dụng. Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được? Trong khi đó tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm?
Trong kinh niệm xứ hay kinh quán niệm hơi thở, Đức Thế Tôn đã dạy những phương pháp cụ thể để làm lắng dịu những căng thẳng trong thân, trong tâm, rồi nhìn sâu để xem gốc rễ của những khổ đau phiền não đó do đâu, từ đó mới bắt đầu chuyển hóa được những tâm hành. Đó là phương pháp khoa học.
Sở dĩ người Tây phương theo chúng tôi học hỏi, thực tập nhiều vì chúng tôi không hiến tặng cho họ đạo Phật của đức tin mà hiến tặng cho họ đạo Phật của sự thực tập kinh nghiệm. Bởi đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập.
Đạo Phật là một phương pháp sống nương vào tự lực hơn là nương vào một quyền lực linh thiêng bên ngoài không có giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ một truyền thống tâm linh nào và trong bản chất đích thực của nó cũng không xung đột với khoa học hiện đại.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng