Thiêng liêng khát vọng thống nhất
Tham dự sự kiện có ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy... cùng đại diện các đơn vị, ban ngành của thành phố Hà Nội.
Chương trình được thực hiện tại 5 điểm cầu: Cung Hữu nghị Việt - Xô và Hầm chỉ huy tác chiến T1 (ở Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội); Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Cột cờ giới tuyến (tỉnh Quảng Trị); Khu di tích lịch sử Trại Davis (TP Hồ Chí Minh); Truyền hình trực tiếp trên kênh 1, FM96 cùng các nền tảng số của Đài PT-TH Hà Nội.
"Khát vọng thống nhất" là câu chuyện về hành trình dặm dài đi tìm độc lập, tự do của cả một dân tộc với bao xương máu của đồng bào, chiến sỹ đã đổ xuống để đất nước đi tới toàn thắng. Khát vọng lớn lao và thiêng liêng đó đã được khắc họa thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Chương trình bắt đầu bằng phóng sự kể câu chuyện về cây cầu Hiền Lương, một ranh giới giữa 2 miền Nam - Bắc nhưng mang trên mình sứ mệnh lịch sử. Sau Hiệp đinh Geneve 1954, cây cầu Hiền Lương chia đôi dòng sông Bến Hải.
Ở hai bờ giới tuyến, có vô vàn câu chuyện về những kiếp người trong đó có nhạc sĩ Hoàng Việt.
Những thước phim tư liệu lịch sử là điểm nhấn của chương trình |
Một ngày tháng 10 năm 1958, nhận được thư vợ gửi từ Sài Gòn qua Paris rồi trở ngược lại Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt bần thần và thao thức trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Dồn cả tâm hồn hướng về phương Nam, nơi ấy là quê nhà, là bãi mía, nương dâu, là bến nước Cửu Long, là nơi có người vợ thủy chung và đàn con thơ bé...
Vô vàn lời yêu thương muốn gửi trao mà không thể nói thành lời qua ngàn trùng xa cách... Tất cả chỉ có thể gửi cả vào khuông nhạc, lời ca. Từ đây, bản "Tình ca" bất hủ của ông gắn với cây cầu Hiền Lương ra đời và sống cùng năm tháng.
NSUT Hoàng Tùng biểu diễn ca khúc "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt |
Điểm nhấn đáng chú ý của chương trình chính luận nghệ thuật này, bên cạnh các tiết mục nghệ thuật là những nhân chứng lịch sử xuất hiện qua các phóng sự, phim tư liệu. Họ - hơn ai hết, là những chứng nhân của thời đại, trực tiếp chiến đấu.
Đó là ông Phan Đức Thắng, Phiên dịch viên phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Khả, Phó Ban Trao trả phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam… kể về tình tiết của cuộc đấu tranh của cán bộ ta trên mặt trận chính trị, ngoại giao, buộc Mỹ thực hiện đúng cam kết trong Hiệp định Paris năm 1972.
Với sự quyết tâm, vững vàng về lý trí, suốt 823 ngày đêm đấu tranh, các cán bộ ngoại giao của ta đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng.
Cuối cùng, một lần nữa, sự xuất hiện của hình ảnh tư liệu từng đoàn quân “ào ào như thác lũ” tiến về Sài Gòn vào thời khắc lịch sử, chiếc xe tăng 390 húc thẳng và cổng Dinh Độc Lập, và chiến sỹ Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập mang đến cảm xúc khâm phục và tự hào cho người xem, đặc biệt là khán giả trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn trong phóng sự tư liệu kể về thời khắc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng |
Có thể nói, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật như: hình ảnh, ánh sáng, âm nhạc, ê kíp đã tái hiện bản trường ca bất hủ về niềm khao khát cháy bỏng về tự do, độc lập của cả dân tộc.
Chương trình quy tụ các giọng ca: NSƯT Hoàng Tùng, Lô Thủy, Nhật Thảo, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan… với các ca khúc đi cùng năm tháng như: Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di ); Tổ quốc yêu thương; Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Trịnh Công Sơn); Mùa xuân quê hương, Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Bài ca hy vọng (Văn Ký)...
Trao đổi cùng PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Nhà báo Ngô Thanh, đạo diễn chương trình một lần nữa nhấn mạnh nỗ lực của ê kíp thực hiện nhằm truyền tải thông điệp: “Để có được hòa bình, xương máu của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã đổ xuống.
Hơn 9 ngàn nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ khắp dọc chiều dài đất nước. Chương trình đưa chúng ta trở về với những năm tháng lịch sử oai hùng của đất nước, để tri ân thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, qua đó, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay”.
Đây cũng chính là âm hưởng mà chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng thống nhất” đọng lại trong mỗi người xem.