Thời hoa lửa hào hùng và chặng đường đổi mới, phát triển của Thủ đô
Nuôi dưỡng và lan tỏa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” Hội chợ Làng nghề: Nơi tôn vinh các sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống |
Chương trình tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.
Chương trình nhằm ôn lại những ký ức hào hùng, thời kỳ lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang của Thủ đô Hà Nội; thông qua những câu chuyện chân thực, sinh động của các nhân chứng lịch sử, tọa đàm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội; Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô tặng hoa các đồng chí Phạm Thanh Học; PGS, TS Phạm Quang Long; Bà Dương Thị Vịn và Nhà báo Phùng Huy Thịnh. |
Đây cũng là dịp để các thế hệ tuổi trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thông qua chương trình là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất. Thông qua nhân chứng lịch sử, người trẻ sẽ được truyền cảm hứng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, trân trọng những hy sinh của thế hệ đi trước từ đó có những đóng góp tích cực, phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp.
Tham dự tọa đàm có các diễn giả:
Ông Phạm Thanh Học - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội;
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội;
Bà Dương Thị Vịn - nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội;
Nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971;
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội;
Đồng chí Lê Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm;
Đồng chí Trần Kim Huyền - Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm.
Về phía đơn vị tổ chức có nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập; nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Tọa đàm "Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai" |
Tham dự chương trình tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội.
Hai gương mặt Trẻ tiêu biểu đại diện cho thanh niên Thủ đô là bạn Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn An Huy. Chương trình còn có sự tham gia của hàng trăm đoàn viên, thanh niên tại Thủ đô Hà Nội.
Các khách mời sẽ mang đến cho bạn trẻ những hồi ức về thời hoa lửa đầy khí thế và chiêm nghiệm về từng chặng đường đổi mới, phát triển của Thủ đô.
Phóng sự "Ngày về lịch sử"
Thêm tự hào, yêu mảnh đất thiêng, lắng hồn núi sông ngàn năm
Mùa thu lịch sử cách đây 70 năm, Nhân dân Hà Nội được sống trong không khí hào hùng, đón đoàn quân chiến thắng trở về, tiếp quản Thủ đô. Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử vẻ vang, đầy tự hào của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Ngày hôm nay, sau 70 năm, trong không khí mùa thu Hà Nội, các đoàn viên, thanh niên đã được nghe các chuyên gia, nhà văn hóa, nhân chứng lịch sử ôn lại những ký ức hào hùng của Thủ đô năm xưa.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu khai mạc tọa đàm |
Những câu chuyện, những hình ảnh về một Hà Nội xưa, về thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất và vô cùng hào hoa chắc chắn sẽ để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc; để từ đó, chúng ta thêm tự hào, thêm yêu Hà Nội, mảnh đất thiêng, lắng hồn núi sông ngàn năm.
Buổi tọa đàm hôm nay là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đây không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua và hướng tới tương lai.
Đồng thời, tọa đàm cũng là dịp để các nhân chứng, nhà nghiên cứu văn hóa, chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm quý báu để từ đó, tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ công dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung.
Hà Nội hôm nay đã đổi mới, phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước cần phải vượt qua.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Để xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh, chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội, của dân tộc Việt Nam, những thanh niên Thủ đô tiếp tục phấn đấu, học tập, nỗ lực và cống hiến, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra.
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
Sự kiện đặc biệt được cả thế giới ngưỡng mộ
Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: Ngày 10/10/1954 là sự kiện đặc biệt của Thủ đô và cả nước, được cả thế giới ngưỡng mộ.
Sự kiện Giải phóng Thủ đô để lại rất nhiều bài học. Trước hết sự kiện tiếp quản Thủ đô là cả quá trình, tiêu biểu cho vai trò đi đầu của Thủ đô với cả nước. Thứ hai là điểm kết thúc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của cả đất nước, dân tộc. Để tiến tới sự kiện tiếp quản Thủ đô, chúng ta đã trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm.
Ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm |
Trước kẻ thù mạnh về lực lượng và vũ khí hiện đại, quân ta lực lượng ít, trang thiết bị thiếu thốn, Đảng ta đã quyết định rút lui về mặt chiến lược khỏi Thủ đô để củng cố lực lượng và chờ thời cơ với tinh thần “nhất định thắng lợi” và niềm tin “sẽ có ngày chiến thắng trở về”.
“Cá nhân tôi cho rằng đây là bài học rất to lớn của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước. Với tinh thần khát vọng giữ nước, tinh thần đánh giặc: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đánh giặc trên tất cả các mặt trận… đã làm nên sức mạnh tổng hợp và một chiến thắng vĩ đại, vinh quang được thế giới ngưỡng mộ”, ông Phạm Thanh Học chia sẻ.
Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần
Tại tọa đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”, bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã kể lại không khí sục sôi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội.
Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã kể lại không khí sục sôi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội |
Cách đây 60 năm, Mỹ thất bại nặng nề, điên cuồng phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cả nước có chiến tranh, chống Mỹ cứu nước trở thành khát vọng của mỗi đoàn viên, thanh niên lúc bấy giờ.
Nhiều lá đơn được gửi đến các cấp bộ Đoàn xin lên đường chiến đấu, trong đó nhiều lá đơn được viết bằng bằng máu.
Thấu hiểu tâm tư của thanh niên, ngày 9/8/1964 Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Đáp lại, thanh niên sục sôi khí thế xuống đường hô vang khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" năm 1964, tôi mới 21 tuổi.
Khi đó, tôi là Bí thư Chi đoàn khối 49 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đảng viên trẻ đã cùng nhiều đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn tập hành quân, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt.
Ngày tôi nhận được giấy lên đường đi thanh niên xung phong cũng là lúc nhận được giấy báo đi học đại học ở nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng đắn đo, trăn trở nhưng nghĩ mình còn trẻ còn nhiều cơ hội phấn đấu. Bây giờ Tổ quốc đang cần phải làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước. Tôi cũng được bố động viên lên vui vẻ lên đường tham gia thanh niên xung phong.
Chúng tôi đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng!
Nhà báo Phùng Huy Thịnh (SN 1953, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội) xuất thân từ một chàng sinh viên Văn khoa lãng mạn của Đại học Tổng hợp.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh bày tỏ sự xúc động khi tham dự Tọa đàm“Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức |
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự Toạ đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, nhà báo Phùng Huy Thịnh bày tỏ sự xúc động.
“Đặc biệt, khi được xem triển lãm ảnh về không khí Ba sẵn sàng của những năm 1960 - 1970 khiến chúng tôi như được sống lại những ngày tháng lịch sử đầy tự hào”, nhà báo Phùng Huy Thịnh nói.
Bồi hồi nhớ lại, nhà báo Huy Thịnh chia sẻ: Ngày 6/9/1971, gần 4.000 thầy trò của các trường cao đẳng, đại học ở miền Bắc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.
Khi ấy, ông Thịnh đang chàng sinh viên năm hai Đại học Tổng hợp. Ông khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 lên bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
“Những trận đánh đầu ở chiến trường Quảng Trị rất khốc liệt. Thế nhưng, vì phong trào ba sẵn sàng ngấm vào máu, hàng vạn sinh viên vô cùng hăng hái. Chiến tranh đã tôi luyện dân tộc ta qua các cuộc kháng chiến trường kỳ thành một dân tộc kỳ lạ.
Chúng tôi những thanh niên sinh viên Hà Nội đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng, đã sống hết mình”, ông Thịnh xúc động chia sẻ.
Tháng 5/1974, ông trở thành một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh nhớ lại hồi ức những chuyến tác nghiệp đầy hiểm nguy, gian khó khi gặp phục khích, “thám báo”. Hàng trăm chuyến tác nghiệp, có những chuyến ông phải đi vào sâu trong rừng Lào suốt nhiều ngày, có những chuyến tác nghiệp phải bám cả chiến dịch kéo dài vài ba tháng.
Mùa xuân 1975, nhà báo Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; theo Lữ đoàn tăng 203 đánh tiên phong suốt từ Ðà Nẵng đến Phan Rang.
Sau đó, ông ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt dọc đường chiến dịch, người phóng viên, chiến sĩ trẻ đã viết rất nhiều bài báo về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh... để ngay sau đó, cùng các đồng nghiệp ở báo Chiến sĩ giải phóng làm số đặc biệt 30/4 và 1/5 in hàng vạn bản phát đến tận tay bộ đội và Nhân dân.
Khi đó, phóng viên mặt trận Phùng Huy Thịnh vừa tròn 22 tuổi.
Mãi mãi biết ơn những con người thời kỳ ấy
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xúc động kể, nhà tôi có 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà nội có hai con liệt sỹ, em dâu bà có chồng và con liệt sỹ. Mẹ có chồng và con trai liệt sỹ. Lúc còn nhỏ, tôi chưa có ý thức nhiều về chiến tranh nhưng tôi thấy được cái khổ vô cùng.
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xúc động chia sẻ tại tọa đàm |
Năm 16 tuổi, tôi giống như nông dân, chúng tôi buộc phải lớn hơn trước tuổi, phải trưởng thành sớm hơn, phải quyết định tất cả mọi vấn đề của đời sống vì không biết hỏi ai. Mẹ tôi mù chữ.
Lúc tiễn anh trai đi chiến trường anh nói với tôi hai câu: Cố mà nuôi mẹ và cố mà học. Lúc đó tôi cũng không hiểu học để làm gì nhưng không đi học thì không biết làm gì.
Tôi bắt đầu ý thức về chiến tranh khốc liệt từ năm 1966, lúc đó tôi học lớp 7, máy bay Mỹ ném bom tại trường cấp 2 Thụy Dân, 30 bạn học cùng khóa với tôi mất, trong đó có 12 bạn nữ và cô giáo tôi lúc mất còn ôm một bạn học sinh nữ trong lòng. Sau trận bom đó, hiệu trưởng mắc bệnh vì thương học trò quá.
Năm 1970, tôi nhận thấy chiến tranh thực sự khốc liệt khi nhận được tin báo tử của anh trai tôi. Mẹ tôi sau đó trở nên khác, bà sống bằng quá khứ, chỉ kể những câu chuyện về anh tôi.
PGS.TS Phạm Quang Long cùng các đại biểu đã có những chia sẻ rất xúc động |
Ngày 6/9/1971, tôi tiễn các bạn ra chiến trường, nhìn lớp học vắng đi khi lớp có 82 người mà 21 người đi bộ đội, các bạn gái khóc, còn chúng tôi day dứt lắm. Tôi nhẩm đếm đến năm 1975 có 8 lần tiễn lứa bạn đi chiến trường.
Chiến tranh, mất mát với tôi là điều không thể tránh được của một giai đoạn lịch sử. Khi bác Vịn, bác Thịnh kể lại về những ngày trên chiến trường, tôi rất xúc động vì đã từng sống trong thời chiến tranh. Tôi mãi mãi biết ơn những năm tháng ấy, những con người thời kỳ ấy, họ vượt qua thử thách và mình nhìn họ, sống và đến giờ hơn 70 tuổi vẫn thấy tự hào.
Phóng sự "Tự hào truyền thống, vững bước tương lai"
Thế hệ trẻ phải thấy tự hào khi được sống, cống hiến cho Thủ đô
Tâm huyết với chủ đề buổi Toạ đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay phải biết tự hào khi là người Hà Nội, khi đang sống, cống hiến cho Thủ đô và đất nước.
Ông Học chia sẻ, năm 1972, khi còn là một cậu bé 9 tuổi, như bao đứa trẻ thời bấy giờ, ông không biết sợ bom đạn, thích được đi theo các bác dân quân bắt giặc Mỹ, thường rủ nhau đi xem bắn pháo, tên lửa… Tuổi thơ lớn lên được chứng kiến những tàn khốc của chiến tranh nên mỗi khi nhắc đến chiến tranh ông vẫn có rất nhiều cảm xúc.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học |
Trải qua 16 năm tham gia trong quân đội, 26 năm công tác trong ngành Tuyên giáo, ông nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cách mạng.
Điểm lại thành tựu của Thủ đô trong lịch sử, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; bị tổn thương mất mát rất nhiều nhưng Thủ đô đã vươn lên, vượt qua đau thương mất mát để luôn luôn xứng đáng với vị trí, vai trò trái tim của cả nước, trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thủ đô xứng đáng với vai trò trái tim, là hậu phương lớn cho miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đựợc gọi là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người…
Ngày nay, Hà Nội đang phát triển lớn mạnh; chưa khi nào thành phố có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định, trong 70 năm qua Hà Nội đã làm được nhiều việc kỳ vĩ. Trước những tình thế khó khăn phức tạp Hà Nội vẫn mạnh mẽ vượt qua.
Gần đây nhất, bão Yagi gây ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội. Những hình ảnh từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, tới các đoàn viên thanh niên trong phòng chống bão là tấm gương sống, tiếp bước tinh thần Ba sẵn sàng năm xưa.
“Những truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt là trong 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô cần phải được thế hệ trẻ ngày nay hiểu, ghi nhớ, tự hào, giữ gìn và phát huy. Thanh niên Thủ đô phải biết tự hào vì mình là người Hà Nội, mình đang sống ở Hà Nội và xây dựng Thủ đô. Cá nhân tôi có lòng tin chúng ta sẽ xây dựng được Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh và đáng sống vì đây là trái tim của cả nước”, ông Phạm Thanh Học bày tỏ.
Bền chí sẽ đi đến đích
Nhìn lại một chặng đường lịch sử 70 năm qua, kể từ ngày Thủ đô giải phóng, Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo năng động, tươi mới, hiện đại. PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kể, cách đây gần 20 năm trong một hội thảo về Hà Nội, tôi có viết một bài báo “Hà Nội dưới góc nhìn của một nhà quê”. Tôi là người quê và có hơn 8 năm sống, công tác tại Hà Nội. Bài viết có một cái nhìn đối sánh của người nhà quê về người Hà Nội gốc với rất nhiều điều hay.
PGS.TS Phạm Quang Long |
“Chiều ngày tất niên năm 1945 không ít nhà cúng gia tiên rồi mang cỗ ra ngoài cửa để mời mọi người đi qua đường cùng chia vui, hưởng niềm vui Tết độc lập đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đó là truyền thống, là lịch sử. Chủ đề của tọa đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” rất hay. Nếu không biết mình là ai, không biết quá khứ là gì thì chắc chắn bước đi đến tương lai sẽ chệch choạc”, ông Long nói.
Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều tin tức, có đúng có sai. Ông Long cho rằng, các bạn trẻ không được mơ hồ về nhận thức. Từ những chuyện nhỏ nhất mà không xác định được ranh giới giữa đúng sai thì hành động dễ sai lệch.
“Tôi vô cùng tin các bạn trẻ. Tuổi trẻ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Đâu cần thanh niên có, đâu khó thanh niên đi đầu. Các bạn có bản lĩnh, khát vọng và quyết tâm nhưng để có được bản lĩnh sống với đời cần có sự nhận thức sâu sắc qua năm tháng, sự dũng cảm vượt qua những hấp dẫn, tưởng dễ dàng để sống đúng.
Các bạn hiện nay sống khác chúng tôi, có ưu thế hơn, tương lai sáng ngời hơn nhưng tôi vẫn mong các bạn rèn luyện nhiều hơn, bản lĩnh hơn và ý thức công dân tốt hơn”, ông Long nhắn nhủ.
PGS.TS Phạm Quang Long đúc kết, truyền thống là một phần tất yếu của cuộc sống, là hành vi, giá trị lặp đi lặp lại trở thành nét nổi bật. Truyền thống cũng có những lúc không phù hợp nữa nhưng lựa chọn cái gì gần với đời sống, có tính nhân văn thì không thể sai được. “Nhìn lại quá trình phát triển, tôi vẫn mong Hà Nội phát triển hơn nữa. Nhưng tôi tin, bền chí sẽ đi đến đích”, ông Long nhấn mạnh.
Lan tỏa giá trị của nghĩa cử cao đẹp
Bạn trẻ Nguyễn Văn Thanh - Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 đã chia sẻ về việc làm ý nghĩa vì cộng đồng trong nhiều năm qua.
Văn Thanh cho biết: “May mắn được sinh ra trong thời bình nhưng em hiểu quá khứ hào hùng của dân tộc qua những trang lịch sử. Gần đây em tham gia cùng diễu hành tại Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Điện Biên Phủ, cũng là tiền đề để giải phóng Thủ đô 10/10. Khi diễu hành kết thúc và em đã đến nghĩa trang đồi A1, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Bạn trẻ Nguyễn Văn Thanh - Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 |
Em thấy được sự mất mát to lớn, các anh hùng ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, với bao ước mơ dang dở. Em thật sự xúc động hơn khi đọc trong những trang sách.
Em mong rằng, các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên khắp cả nước hãy đến thăm những nghĩa trang liệt sĩ như ở Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, để thấu hiểu thêm sự tàn khốc và trân trọng biết ơn đối với những người đã hi sinh để chúng ta có được hoà bình, độc lập hôm nay”.
Năm 2017, Thanh không may gặp tai nạn, phải điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Biến cố này lại càng củng cố thêm hành động hiến máu của chàng trai. Khi nằm điều trị tại bệnh viện, chứng kiến bên cạnh có những người bị nặng hơn, họ cần lượng máu truyền vào cơ thể để nuôi hi vọng sự sống, chàng trai trẻ khao khát hơn việc hiến máu, hiến tiểu cầu đều đặn, thường xuyên.
Thanh chia sẻ: “Lúc đầu em đi hiến máu vì cảm nhận rất đơn giản là để nhận món quà là gấu bông nhưng sau khi gặp tai nạn và phải vào bệnh viện điều trị thì em thấy hiến máu rất cấp thiết và từ đó suy nghĩ đến cộng đồng, thấy bản thân mình cần lan tỏa giá trị của nghĩa cử cao đẹp này.
Qua chương trình này, em mong rằng, các bạn đoàn viên, thanh niên hãy cố gắng làm sao để đóng góp được những phần nhỏ bé của mình và lan toả giá trị tốt đẹp đó đến công đồng, đơn giản chỉ cần từ việc nhỏ nhất của bản thân”.
Người trẻ nguyện viết tiếp khát vọng non sông
Em Nguyễn An Huy đã vinh dự đại diện thế hệ trẻ Thủ đô bày tỏ những chia sẻ về trách nhiệm của của thanh niên tại chương trình tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”.
Em Nguyễn An Huy, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) |
Nguyễn An Huy hiện đang là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Trong cảm nhận của một người trẻ trước đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ ngày nay, An Huy rất tự hào khi bản thân được đại diện các bạn trẻ của Hà Nội, bày tỏ cảm xúc của mình: “Tuổi trẻ Thủ đô luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần Giải phóng Thủ đô nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
“Hè vừa rồi, em đã được cùng Quận đoàn Bắc Từ Liêm đến tham quan 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Chuyến hành trình tìm về cội nguồn lịch sử cùng với thực hiện những hoạt động tưởng niệm, tri ân. Đây là dịp để tuổi trẻ chúng em thể hiện tình cảm và trách nhiệm, tấm lòng tri ân với các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chuyến đi đã góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, trân trọng quá khứ, hiểu hơn về những giá trị lịch sử của đất nước để mỗi thành viên thêm nỗ lực, cống hiến, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”, Nguyễn An Huy chia sẻ.
Nguyễn An Huy cũng cho biết thêm, thông qua chương trình tọa đàm "Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai", thế hệ trẻ Thủ đô đã hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất.
Đây là dịp để tuổi trẻ thể hiện tình cảm và trách nhiệm, tấm lòng tri ân với các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng |
"Những lời chia sẻ đầy xúc động của các khách mời trong chương trình đã đưa chúng em như được sống với những hồi ức về thời hoa lửa đầy khí thế và chiêm nghiệm về từng chặng đường đổi mới, phát triển của Thủ đô.
Là người trẻ, em nguyện dốc sức mang khát vọng thanh xuân của mình hòa cùng với khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước".
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cùng nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô tặng hoa cảm ơn các diễn giả tham dự tọa đàm |
Những câu chuyện đầy sống động, xúc động mà các nhân chứng lịch sử mang đến buổi tọa đàm đã thực sự truyền đến những ngọn lửa về niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng trong trái tim mỗi đoàn viên, thanh niên của Thủ đô.
Một lần nữa được hiểu, được thấu cảm những khó khăn, vất vả, khốc liệt nhưng cũng đầy hào hùng, khí thế mà cha anh đã trải qua, các bạn trẻ đều cảm nhận sâu sắc công lao thế hệ đi trước.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng đoàn viên, thanh niên tham dự tọa đàm |
Bằng sự trân trọng những hi sinh, những cống hiến mà lớp lớp người đi trước đã dày công tạo dựng cho Hà Nội, cho Tổ quốc như ngày hôm nay, các bạn trẻ sẽ tự dặn lòng mình cần phải nỗ lực học tập, phấn đấu hơn nữa để đền đáp công lao ấy bằng những việc làm thiết thực nhất.