Thu hút đầu tư FDI tại Hải Phòng, kỳ vọng đón “đại bàng”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy sản xuát ô tô Vinfast tại KCN Cát Hải, Hải Phòng |
Trong đại dịch Covid-19, Hải Phòng vẫn hoàn thành kế hoạch
Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng, từ đầu năm đến ngày 30/7/2020, các khu công nghiệp (KCN), KKT của Hải Phòng đã thu hút 23 dự án FDI cấp mới với số vốn 421,16 triệu USD, 16 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 316,182 triệu USD; Tổng vốn thu hút đạt 737,343 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 30/7/2020, các KCN, KKT thu hút 387 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 15.484,703 triệu USD.
Với đầu tư trong nước, đến thời điểm này các KCN, KKT của Hải Phòng đã thu hút được 5 dự án cấp mới với số vốn 553,637 tỷ đồng, 2 dự án (FDI) điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 134,387 tỷ đồng; Tổng vốn thu hút đạt 688,024 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 30/7/2020, các KCN, KKT thu hút 166 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 145.346,430 tỷ VND.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Mợi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những tháng đầu năm tốc độ thu hút đầu tư FDI và đầu tư trong nước có giảm hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do nước ta khống chế đại dịch Covid-19 tốt nên dự báo sẽ có làn sóng chuyển dịch đầu tư sản xuất từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào cuối năm nay. Vì vậy, thu hút FDI dự kiến đến tháng 12/2020 của Hải Phòng ước đạt 1,5 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thành phố giao. Dù thu hút đầu tư FDI rất cần thiết nhưng Hải Phòng vẫn chọn phương án thu hút đầu tư có chọn lọc, hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng trong nước để hưởng lợi nhiều hơn…”.
Thời điểm “vàng” trong thu hút đầu tư FDI
Theo đánh giá, lợi thế vượt trội của Hải Phòng so với các địa phương khác chính là hạ tầng kết nối giao thông tốt bậc nhất so với cả nước. Điều này cho phép doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Hải Phòng có chi phí logistics giảm được tối thiểu 10% so với thông lệ quốc tế là 20%.
Hải Phòng còn có lợi thế là đã có sẵn các nhà đầu tư quốc tế đẳng cấp như LG, Samsung, GE… Cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư trong nước có ô tô Vinfast; Các đại dự án du lịch, khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup, Sungroup…
Ngoài ra, Hải Phòng đã có nhiều địa điểm đầu tư tốt đã được kiểm chứng như KCN Numora, Tràng Duệ, Viship và có lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, tại chỗ.
Dây chuyền lắp ráp ô tô Vinfast theo công nghệ tiên tiến nhất Châu Âu của Tập đoàn Vingroup tại Cát Hải |
Do dịch bệnh Covid-19, việc xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài không thể triển khai, Hải Phòng đã tập trung xúc tiến qua kênh tại chỗ. Đó là qua sự thành công của các tập đoàn đã đầu tư vào Hải Phòng, lãnh đạo Hải Phòng và Ban quản lý KKT Hải Phòng khuyến khích họ tự quảng bá, mời gọi cộng đồng doanh nghiệp của quốc gia họ để đến Hải Phòng đầu tư.
Cùng với đó, Hải Phòng đang xúc tiến đầu tư qua kênh các cơ quan đại diện thương mại của các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của các nước tại Việt Nam; Thông qua đại diện thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.
Theo đánh giá của ông Bùi Ngọc Hải - Phó Ban quản lý KKT Hải Phòng: “So với tình hình, bối cảnh quốc tế thì Việt Nam đang có cơ hội vàng về thu hút FDI. Qua việc tái cấu trúc đầu tư hiện nay thì có thể thấy, họ không đầu tư vào 1 quốc gia quá nhiều, vì sợ đứt gãy chuỗi liên kết, thì Việt Nam và Hải Phòng là sự ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy Hải Phòng được ví như địa điểm “vàng” để đón các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, Hải Phòng đang còn có những khó khăn, như: Quỹ đất sạch không còn nhiều; Những nhà đầu tư cần diện tích lớn, có sẵn mặt bằng sạch thì còn khó khăn. Hiện tại, chỉ có KCN Nam Đình Vũ còn vài trăm héc-ta đất nhưng KCN này lại gần biển, mới san lấp, chưa có hệ thống đê bao ở ngoài, không hấp dẫn, những ngành có yêu cầu cao như điện tử, vì môi trường muối mặn của biển thì họ không vào được. KCN An Dương của Trung Quốc đầu tư còn gần 50ha.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ cho các khu công nghiệp, nhất là nhà ở cho công nhân và chuyên gia rất bức thiết. Vì các ngành công nghiệp hiện nay đều đòi hỏi tay nghề cao, như: Các chuyên gia, kỹ sư, thợ bậc cao… thì họ phải yêu cầu ổn định về chỗ ở, vợ con họ phải đi theo. Vì vậy, phải có nhà ở cho họ, mới thu hút được nguồn lực lao động chất lượng cao”.
Muốn đón “đại bàng”, phải có quyết tâm chính trị
Cách thu hút đầu tư FDI hiện nay đã thay đổi cơ bản so với vài năm trước đây. Đó là việc thu hút cả doanh nghiệp to, nhỏ liên kết theo mô thức chuỗi, kết nối với nhà đầu tư lớn. Khi đã đón được “chim đại bàng” hạ cánh, thì một loạt các doanh nghiệp vệ tinh sẽ đến theo phục vụ. Một ví dụ điển hình là KCN Tràng Duệ, An Dương của Hải Phòng, khi LG vào đầu tư 4 tỷ USD, thì các doanh nghiệp đi theo LG cũng vào đầu tư khoảng 4 tỷ USD nữa.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Đình Vũ và Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) |
Theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó BQL KKT Hải Phòng, thì: “Khi họ vào rồi, các cơ quan chức năng Hải Phòng phải chăm sóc họ thật tốt. Khâu cấp phép cần phải có bộ phận chuyên nghiệp, hiểu họ, phân công người theo dõi, phục vụ sát cho họ; không để họ phải tự đi khắp các sở, ban, ngành để chạy thủ tục… Cần phải có bộ phận theo dõi, báo cáo các cơ quan thẩm quyền giải quyết kịp thời các nhu cầu của họ, không gây hoang mang, mất thời gian cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, Ban quản lý KKT Hải Phòng chúng tôi phải thành lập các văn phòng đại diện của Ban quản lý KKT tại các KCN Tràng Duệ, An Dương và Viship, Thuỷ Nguyên; Giao nhiệm vụ cho 2 đơn vị này chăm sóc hưỡng dẫn nhà đầu tư, thực hiện khâu giám sát hỗ trợ đầu tư; hàng tuần báo cáo về Ban quản lý KKT tình hình hoạt động của các DN.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đón được các dự án lớn, dự án quan trọng, cần phải có sự chỉ đạo, cam kết chính trị của chính quyền, người đứng đầu thành phố BQL KKT Hải Phòng mới tạo ra cơ chế thông suốt. Thành phố cần tổ chức các sự kiện để gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuối sản xuất của các DN lớn của họ. Khâu này chúng ta chưa làm được nhiều. Hải Phòng rất may là có Vinfast, vì chính họ lại gọi các doanh nghiệp FDI vào làm phụ trợ như doanh nghiệp sản xuất ắc quy, thiết bị điện tử nội thất ô tô”.
Lãnh đạo BQL KKT Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam |
Hiện tại, Hải Phòng đang kêu gọi các nhà đầu tư KCN, KKT ngoài việc đầu tư hạ tầng KCN, thì cần có các khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân. Muốn làm được điều này, thành phố phải có chính sách đủ mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư, giàng buộc trách nhiệm nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân phải đưa vào chi phí xây dựng KCN, không đẩy việc lo nhà ở cho công nhân ra xã hội.
Giải quyết được bài toán nhà ở cho công nhân này mới có thể giải quyết được tất cả các vấn đề trong thu hút đầu tư hiện nay. Thủ tục hành chính phải cải cách theo hướng rõ ràng, minh bạch. Các thủ tục hành chính phải chuyển từ quản lý sang phục vụ mới xúc tiến đầu tư mạnh mẽ.
Cùng với đó, Hải Phòng cần phải nâng cao năng lực hệ thống các Trường dạy nghề gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, việc này cần hành động cụ thể của chính quyền thành phố. Việc đưa các doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vào chuỗi các sản phẩm của nhà đầu tư FDI phải được thành phố quan tâm xúc tiến ngay, bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất như bao bì, đồ chèn lót, rồi nâng cấp lên như đồ nhựa, sản phẩm cơ khí nhỏ.
Việt Nam có sẵn những năng lực quản trị kinh doanh trong môi trường quốc tế nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa tiếp cận được. Việc này Sở Công thương Hải Phòng cần có chương trình cụ thể, lựa chọn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giáp mối cho họ gặp nhau, hỗ trợ họ kết nối thành chuỗi sản phẩm liên kết.
Sự đứt gãy về khả năng của người lao động hiện nay do thiếu thiết chế nhà ở, điều kiện để gắn kết họ lâu dài với doanh nghiệp không có. Vì vậy sau 4 - 5 năm khi người lao động làm việc đã tích luỹ được tay nghề nhất định, do nhu cầu ổn định, họ lại phải nhảy việc hoặc trở về quê. Do không lo được nhà ở, buộc họ phải nghỉ việc, điều này rất lãng phí của cải xã hội. Doanh nghiệp phải tuyển mới lao động, đào tạo, lại bị đứt gãy nguồn cung cấp lao động tay nghề cao, không tích luỹ được liên tục.
Theo một số chuyên gia về đâu tư, hiện Hải Phòng mới chỉ chú trọng về việc thu thuế, thu ngân sách, mà chưa chú trọng đến việc đào tạo, tạo điều kiện cho các công nhân có tay nghề, trình độ cao gắn kết với doanh nghiệp. Vì nguồn lực nhân lực là nhân tố quyết định cạnh tranh, là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, giúp cho họ nâng cao năng xuất lao động.