Thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển
![]() |
Đối với Việt Nam, trong tương lai gần, ngành kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển đời sống của nhân dân, đảm bảo cho dân tộc, đất nước ta giàu mạnh và phát triển. Do đó, cần phải nhìn nhận kinh tế biển, đảo một cách toàn diện. Phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước, đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.
Việt Nam có lợi thế với vùng biển nằm trên một số tuyến hàng hải quan trọng của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu thuyền qua lại nhiều nhất thế giới. Bờ biển Việt Nam lại gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông.
Dọc theo bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, quy mô tương đối lớn (kể cả cảng trung chuyển quốc tế) như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có khả năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ. Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố nổi trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay. Khi đó, Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới. Vùng biển Việt Nam sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
![]() |
Bờ biển dài với những bãi tắm đẹp là tiềm năng phát triển mạnh du lịch biển Việt Nam
Trong số các nguồn tài nguyên biển, trước tiên phải kể đến dầu khí - một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội của vùng biển Việt Nam. Trên vùng biển rộng hơn l triệu km2 của Việt Nam, có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, có thể khai thác từ 30 đến 40 nghìn thùng/ngày, khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu.
Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú nhất trong khu vực. Theo thống kê của giới chuyên gia, trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 đến 4,2 triệu tấn/năm, với khả năng khai thác từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn/năm. Hệ sinh thái ven biển Việt Nam đã và đang đem lại lợi nhuận khoảng 60 - 80 triệu USD mỗi năm cho đất nước.
Một chiến lược quan trọng khác là thực hiện chính sách mở cửa, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế biển. Điều này không những giúp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tỉnh ven biển mà còn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế như một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất khu vực.
Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp, trải dài từ Bắc chí Nam, nằm ở vị trí địa lý quan trọng trên con đường giao lưu hàng hải ở Châu Á và quốc tế. Chính vì vậy, du lịch biển sẽ là lĩnh vực mang lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam nếu được khai khác phù hợp.
Chiến lược biển Việt Nam chỉ rõ, đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển.
Để phát triển kinh tế biển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là ba mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau.
Ngoài ra, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển; Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, địa phương và vùng lãnh thổ; Có sự quản lý, tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu; Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới, gắn phát triển kinh tế biển với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo trên tất cả các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch và khai thác nuôi trồng thủy hải sản…
Đồng thời, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ. Hiện đại hóa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển... Ví dụ như việc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định… liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, FLC, Sungroup… cùng nhau khai thác du lịch biển.Nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật, Úc, Hàn Quốc… hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như khai thác tài nguyên hải sản, khai thác dầu mỏ và khí đốt, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải và hợp tác du lịch.
Bên cạnh đó, chúng ta cần huy động cộng đồng tham gia vào việc kiên cố hóa đê điều, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng; tổ chức các tổ đoàn kết, hợp tác xã vận tải trên biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản… để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, ứng phó với thiên tai... Hiện nay, nhiều tỉnh thành của nước ta đã thành lập các tổ, đội đánh bắt cá dài ngày trên biển với tàu cá công suất lớn, các tổ hậu cần… để có thể đánh bắt dài ngày. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ven biển nhất là ở đã quan tâm nhiều hơn tới phát triển rừng phòng hộ ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM…
Giải pháp tiếp theo là đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước; áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, băng cháy, đóng tàu và chế biến các sản phẩm từ biển… Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước... Ví dụ, chúng ta đã hợp tác với Nhật Bản trong việc áp dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản cá ngừ; hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu…
Đồng thời, Chính phủ nên giao cho các ngành chức năng đưa nội dung giáo dục về kinh tế biển, biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo vào chương trình giảng dạy ở các cấp học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc hệ chính quy và không chính quy.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

PNJ khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực marketing sự kiện

Tập đoàn Singapore muốn huy động khoảng 5-7 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam

Khi hộ kinh doanh cần một bệ đỡ tài chính kịp thời...

Hà Nội yêu cầu cung cấp miễn phí phần mềm hóa đơn điện tử

PVcomBank triển khai gói tín dụng “thông thoáng” phục vụ sản xuất, kinh doanh

VPBank và MobiFone: Hợp lực kiến tạo hệ sinh thái tài chính - viễn thông tích hợp toàn diện

KITA Invest chi gần 800 tỷ đồng tất toán 3 lô trái phiếu trước hạn

Thanh toán NAPAS Apple Pay, tận hưởng ưu đãi 50% từ McDonald's

Quản trị biến động từ góc nhìn bản thể luận
