Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ sản xuất nấm sạch
Từ việc hàng tháng phải mua nấm về chữa bệnh cho người thân, anh Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nảy sinh ý tưởng tự trồng lấy nấm cho người nhà uống để đỡ tiền chi phí, sau đó phát triển dần lên thành HTX bán cho người dân trong vùng.
Chia sẻ về cơ duyên đến vơi nghề trồng nấm, anh Nguyễn Quốc Hương cho hay: “Cơ duyên dẫn tôi đến với nghề trồng nấm sạch một phần là nhờ nắm bắt được xu thế, nhu cầu người tiêu dùng, nhưng phần lớn là xuất phát từ chính gia đình. Cách đây khoảng 9 năm, bố tôi có u hạch ở cổ, nghe nhiều người mách, bệnh này cần thường xuyên uống nấm linh chi, một loại nấm dược liệu quý để ngăn chặn bệnh phát triển. Gia đình tôi đã tìm mua nấm linh chi về cho bố uống mỗi ngày. Từ việc hàng tháng phải mua nấm, tôi nảy sinh ý tưởng tự trồng lấy nấm cho người nhà uống để đỡ tiền chi phí, sau đó phát triển dần lên bán cho người dân trong vùng”.
Toàn bộ số nấm được trồng đều do hợp tác xã tự nhân giống để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng
Qua các kênh thông tin đại chúng, vợ chồng anh Hương bắt đầu học cách trồng nấm, đi tham quan và tích lũy kinh nghiệm từ các trang trại nấm lớn của các tỉnh bạn. Thoạt đầu, với diện tích lán trại chỉ có 100m2, gia đình anh Hương chỉ trồng nấm linh chi. Sau đó, anh mở rộng thêm diện tích trồng nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Để thực hiện được dự án này, thời gian đầu, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, anh Hương đã thế chấp tài sản ở ngân hàng để đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hỗ trợ, lắp hệ thống phun sương, làm mát cho nấm... Đồng thời, anh cũng miệt mài học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, vì vậy, chuyên môn nghiệp vụ trồng nấm ngày một tăng lên, mô hình hoạt động dần đi vào ổn định. Các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi, không chỉ bảo đảm cho nhu cầu chăm sóc người bệnh của gia đình anh Hương, mà còn được người dân trong tỉnh tin dùng thường xuyên.
Với quy mô mở rộng, trình độ kỹ thuật và sản lượng làm ra lớn và cần nhiều lao động, vốn đầu tư sản xuất, đất đai để xây dựng nhà kho, cơ sở sản xuất, anh Hương tìm đến Liên minh HTX tỉnh nhờ tư vấn để thành lập HTX với mong muốn phát triển mô hình trồng nấm sạch. Từ đó, HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ra đời vào đầu năm 2016,l là đơn vị cung ứng toàn bộ nguồn nấm giống cho 27 xã viên tại địa phương và cũng là địa chỉ tin cậy cho người sử dụng nấm.
Anh Hương cho biết, các loại nấm được trồng và chăm sóc tại đây đều do hợp tác xã tự nhân giống để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và chủ động trong khâu sản xuất, trong đó, phần giống được làm với quy trình đảm bảo.
Cụ thể, để làm bầu nấm, nhân công dùng mùn cưa trộn cùng cám ngô, cám gạo, sau đó đóng hỗn hợp vào túi và đưa vào lò hấp thanh trùng. Nhiệt độ hấp đạt khoảng 95-100 độ C, đủ để diệt các vi khuẩn gây hại. Giống được đóng sẵn bịch, đến khi phôi ra hết thì người làm mang về treo giàn. Sau khoảng 2 tuần, khi quan sát thấy nấm có màu trắng, người trồng cẩn thận rạch các bầu để nấm phát triển.
Trung bình, mỗi bịch cho 4-5 kg nấm tươi
“Trồng nấm không quá khó về kỹ thuật và cũng không mất nhiều công chăm sóc. Khi nấm bắt đầu mọc, người trồng tiến hành tưới phun sương và chỉ sử dụng nước sạch. Khoảng một tuần sau, nấm có thể cho thu hoạch. Thông thường, thời gian thu hoạch có thể kéo dài 3-4 tháng, trung bình, mỗi bịch cho 4-5 kg nấm tươi”, anh Hương chia sẻ.
Với diện tích ban đầu khoảng 100m2 và chuyên trồng nấm linh chi, đến nay, hợp tác xã đã mở rộng lên 8.700m2. Cùng với đó, các sản phẩm nấm cũng đa dạng hơn. Cụ thể, ngoài nấm linh chi, hợp tác xã còn trồng nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ… và thử nghiệm nấm Kim Phúc, nấm Hoàng Đế. Theo anh Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch hợp tác xã Tuấn Linh, nấm Kim Phúc và Hoàng Đế tuy mới trồng nhưng cho năng suất khá cao, gần gấp đôi so với các loại nấm thông thường.
Sản lượng nấm tươi và nấm khô mỗi năm của cơ sở đạt 102 tấn; trong đó, nấm tươi chiếm 80-85 tấn. Sau khi xuất bán đi các thị trường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nam Định…, trừ các loại chi phí, hợp tác xã thu về khoảng một tỷ đồng lợi nhuận.
Anh Hương cho biết, hợp tác xã hiện có khoảng 50 vạn bịch nấm, mục tiêu trong thời gian tới là nâng số lượng này lên 70-80 vạn bịch. Ngoài ra, các kỹ sư của hợp tác xã cũng tiến hành công tác nhân giống, phục vụ gia tăng sản lượng nấm của cơ sở.