Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp
Khám “sức khỏe” doanh nghiệp, tìm lối đi “vượt bão” Covid-19 Nợ thuế hàng trăm nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp “ngấm” Covid-19 |
Ngày 6/8, Văn phòng Chính phủ đã có công điện gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hội nghị sẽ diễn ra trong buổi sáng 8/8, bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 12h. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì, cùng dự có các Phó Thủ tướng.
Đồng thời, hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Bộ Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có lãnh đạo các cơ quan liên quan như: Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP) |
Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu cho khối tư nhân gồm Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phần Tiêu dùng Massan; Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải; Công ty Cổ phần FPT; Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Viettravel).
Các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp Nhà nước gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Về phía điểm cầu các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các các Sở, ban, ngành liên quan cùng khoảng 20 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%; thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt trên 58% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, song đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn toàn cầu do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù vậy, cũng như tất cả các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã và đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra; hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ.
Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục áp đảo khu vực trong nước khi chiếm trên 74% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại sau nhiều năm xuất siêu, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã nhập siêu trở lại.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 25% so với 6 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng phản ánh sức chống chịu của họ đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ dự báo 6 tháng cuối năm 2021, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.