Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai ứng phó với bão, mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ giao 5 địa phương triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP HCM Sáng 26/9, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương |
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng 7h ngày mai (7/10), áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sau thời gian trên, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão.
Đến 7h ngày 8/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Tây với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11...
Do áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên khiến các vùng biển giữa, Bắc và Nam Biển Đông có gió mạnh, biển động gây nguy hiểm cho các tàu, thuyền...
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, từ hôm nay (6/10) đến ngày 8/10, xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi cao hơn 600mm/đợt. Khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi cao hơn 350mm/đợt.
Từ ngày 9 đến 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực nêu trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại những vùng trũng, thấp, ven sông...
Trước diễn biến thời tiết nêu trên, trưa 6/10, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu, thuyền hoạt động trên biển thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; Triển khai công tác bảo đảm an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và ven biển...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nêu trên rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng, chống dịch Covid-19; Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; Tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; Bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo công tác vận hành bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; Thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp...
Bộ Y tế chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly; Chỉ đạo bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ.