Thủ tướng kiểm tra các dự án hạ tầng quan trọng tại TP HCM
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thị sát Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng nằm ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM báo cáo về tình hình hoạt động của nhà máy, việc triển khai dự án và các vướng mắc gặp phải.
Gói thầu J "Mở rộng và nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng" từ 141.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1) lên 469.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2) nhằm thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của người dân với diện tích lưu vực 2.150 ha, tổng số dân cư khu vực khoảng 2 triệu người, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết tiến độ thực hiện dự án đến nay đạt 98%. Dự kiến hoàn thành vào 30/4/2023, đây sẽ là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam, là 1 trong 5 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Lương Minh Phúc cho biết nước thải đô thị ban đầu được thu gom trên toàn bộ lưu vực dự án (gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11), sau đó được tách nước và thu gom theo hệ thống cống bao nhánh gói thầu G của dự án, tiếp theo được đưa về trạm bơm nâng Đồng Diều (Phường 4, Quận 8).
Tại đây, nước thải được loại bỏ sơ bộ cát, lọc rác, sau đó được bơm trung chuyển qua tuyến cống chuyển tải gói thầu I (2,8 km) về gói thầu J "Mở rộng Nhà máy xử lý nước thải''.
Giai đoạn 1 và 2 sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA của JICA, Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
"Từ kết quả tốt đẹp này, Thành phố đang chuẩn bị giai đoạn 3 của dự án, tiếp tục xây dựng nhà máy nước thải 100.000 m3/ngày đêm, thu nước thải phía nam Thành phố, với tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng, vay vốn ODA, Nhật Bản", ông Phúc cho biết, sẽ trình Chính phủ vào năm sau. Khi hoàn thành giai đoạn 3, sẽ xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân với diện tích lưu vực 4.000 ha, tổng số dân cư khu vực khoảng 3 triệu người.
Đặt vấn đề với Ban Quản lý dự án có "vướng mắc gì, ở đâu, nêu rõ địa chỉ để Chính phủ xử lý", Thủ tướng đề nghị và chỉ đạo: "Bùn thải, nước thải sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn, không ảnh hưởng tới môi trường. Phải áp dụng công nghệ hiện đại; vận hành tự động hoá cao nhất. Trong quá trình vận hành, không gây ảnh hưởng các khu dân cư xung quanh". Theo Thủ tướng, cần triển khai nhanh các thủ tục đầu tư cho giai đoạn 3, theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tích cực xử lý các kiến nghị, vướng mắc của chủ đầu tư để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Trao đổi với các nhà thầu tư vấn, giám sát (của châu Âu) tại nhà máy, Thủ tướng đề nghị tư vấn, giám sát phải nâng cao trách nhiệm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng: "Bùn thải, nước thải sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn, không ảnh hưởng tới môi trường. Phải áp dụng công nghệ hiện đại; vận hành tự động hoá cao nhất. Trong quá trình vận hành, không gây ảnh hưởng các khu dân cư xung quanh" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiếp đó, Thủ tướng đã kiểm tra tiến độ các dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 và dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Báo cáo với Thủ tướng về dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết nằm ở cửa ngõ phía tây Thành phố, Quốc lộ 50 là tuyến đường huyết mạch nối đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc huyện Bình Chánh (TPHCM) với huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Nhiều năm qua, tuyến đường này đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc giao thông.
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 1.498. tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 686 tỷ đồng. Dự kiến khởi công và thi công các gói thầu xây lắp số 1,2,3 và 4 vào 29/12/2022. Chiều dài tuyến khoảng 7 km. Dự kiến giải ngân 211 tỷ đồng trong năm 2022.
Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng, nên khuyến khích người dân tự tái định cư, trường hợp nào không có điều kiện thì Nhà nước bố trí khu tái định cư, làm sao bảo đảm các điều kiện ổn định cuộc sống như hạ tầng giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục… để người dân yên tâm di dời, nhường đất cho dự án.
Chỗ nào làm tốt cần rút kinh nghiệm ngay để nhân rộng, chỗ nào chưa tốt thì khắc phục. Cần đưa ra lộ trình giải phóng mặt bằng với các mốc tiến độ cụ thể. Việc giao ban cần thực hiện thường xuyên để xử lý ngay các vướng mắc.
Kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thủ tướng yêu cầu phải nêu rõ thẩm quyền xử lý các vướng mắc, vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan nào thì nơi đó xử lý, không để kéo dài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết dự án có tổng chiều dài 57,8 km, qua các tỉnh: Long An (2,7 km), TPHCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: Vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng).
Tổng khối lượng thi công toàn bộ 11 gói thầu xây lắp của dự án hiện đạt 80%, tương đương sản lượng đạt 10.984 tỷ đồng/13.751 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng.
Thủ tướng đã kiểm tra tiến độ các dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 và dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. |
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng cho rằng, phải nêu rõ thẩm quyền xử lý các vướng mắc, vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan nào thì nơi đó xử lý, không để kéo dài.
Thủ tướng lưu ý, cần rút kinh nghiệm, tránh việc chia nhỏ gói thầu, sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.
Chiều nay, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tàu kinh tế cả nước.