Thú vị với "30 năm Thơ" và "30 năm Truyện ngắn" trên Nhân Dân cuối tuần
Hai cuốn sách "30 năm Thơ" và "30 năm Truyện ngắn" tập hợp nhiều tên tuổi qua nhiều thế hệ
Bài liên quan
"Quán thanh xuân" trở về kí ức với chủ đề "Nhà chật"
Xem lại những minh họa đặc sắc trên Nhân Dân hằng tháng
Xuất bản tác phẩm lừng danh của nhà văn Balzac
Xuất bản cuốn sách kỉ niệm 200 ngày sinh nhà văn Ivan Turgenev
Điều thú vị ở hai tuyển tập này chính là đã kết nối được các thế hệ văn chương, từ các nhà văn, nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến những tác giả trẻ đang sung sức hiện nay.
Chỉ chọn lựa 30 truyện từ con số hàng trăm truyện đã in của những tên tuổi qua nhiều thế hệ, tuyển tập “30 năm Truyện ngắn” cho người đọc thấy sức nén, độ nặng của một tập sách văn chương. Đây cũng còn là cuộc hội ngộ thú vị của các cây bút truyện ngắn.
Đó là Ma Văn Kháng (Mèo con nghịch ngợm), Lê Minh Khuê (Ngày còn dài), Chân trừi góc bể (Nguyễn Dậu)… Bên cạnh đó, là những cái tên còn tương đối mới mẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa (Cốm xuân), Nguyệt Chu (Bông ngọc lan phủ chúa), Đinh Phương (Mưa trong thành phố), Lý A Kiều (Xuân trên núi)…
Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội), đọc những truyện ngắn này, người đọc có thể nhận ra bước chuyển khá rõ rệt trong trường thẩm mỹ của các thế hệ khi lớp nhà văn trẻ hiện nay trình hiện một lối viết khác, bắt nguồn từ cảm thức khác về cuộc đời, bản ngã và nghệ thuật.
“Sự dịch chuyển từ truyện kể (kể cái gì) sang cách kể (kể như thế nào) cũng hiện lên khá rõ trong những sáng tác gần đây của các cây bút trẻ. Họ, thế hệ sinh ra sau chiến tranh, sau đổi mới, đã nhìn về quá khứ, lịch sử, chiến tranh cũng như quan sát đời sống hiện tại bằng nhãn quan mới mẻ hơn”- nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm phân tích.
Trong khi đó, tuyển tập “30 năm Thơ” lại mang tới cho công chúng một bữa tiệc thi ca với 150 bài thơ. Đây cũng chỉ là một phần thi phẩm đã được đăng trải đều suốt 30 năm trên ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, nhưng phản ánh được một giai đoạn phát triển lớn mạnh của thi ca nước nhà. Nhiều tên tuổi lớn xuất hiện trong tuyển tập là các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Giang Nam, Phan Thị Thanh Nhàn…
Nhiều bài thơ ở đây đã góp phần “đóng đinh”, định hình tên tuổi thơ ca của nhiều thi sĩ như “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật, “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu, “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm…
Đọc tuyển thơ này, dễ dàng nhận ra sự đa giọng điệu. Có thể nói, cảm thức và ký ức chiến tranh của một thời gian lao mà anh dũng đã hiện lên trong “Lá rừng” của Lê Thành Nghị, “Màu hoa chuối đỏ” của Giang Nam, “Đi qua cơn giông” của Anh Ngọc, “Khát vọng Trường Sơn” của Nguyễn Hữu Quý…
Góp thêm sự phong phú cho tập sách là các sáng tác về chủ đề về quê hương đất nước, tình yêu... Đặc biệt, khá nhiều nhà thơ tài hoa chắc tay với mảng thơ tình đã xuất hiện trong tuyển tập như: Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trương Nam Hương, Đặng Thị Thanh Hương, Ngô Liêm Khoan… Bên cạnh đó, thơ của những cây bút trẻ như Lữ Thị Mai, Khúc Hồng Thiện, Tú Anh… mang tới một sắc diện tươi mới…
Trong lời tựa cho tuyện tập thơ 30 năm Nhân Dân cuối tuần, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Chặng đường thơ 30 năm qua trên Báo Nhân Dân cuối tuần thực sự đã phản ánh được một thời đại mới của thi ca Việt Nam. Một thời đại không chỉ của riêng thế hệ nào, mà là từ sự thay đổi lớn lao của dân tộc đã làm cho sáng tác thi ca trở nên phong phú và mang một tinh thần mới. Chúng ta đã đi qua chiến tranh và bước vào công cuộc xây dựng đất nước trong hòa bình. Những cánh cửa lớn bắt đầu được mở ra và từ đó ngôn ngữ mới được sinh sôi trong một tinh thần mới của dân tộc…”.
Còn nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh: “Nhìn lại hành trình 30 năm của Nhân Dân cuối tuần, trên thể loại thơ và truyện ngắn, với một phác thảo nhanh những gương mặt thế hệ, nhận diện những chuyển biến về mặt thi pháp, cảm quan nghệ thuật, chúng ta có được những hình dung về lịch sử văn chương - tinh thần Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.