Thư viện miễn phí, lan tỏa yêu thương
“Đứa con” ấp ủ
Thư viện yêu thương do chị Ngô Quỳnh Liên (ở tổ dân phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thành lập. Thư viện chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2023. Đây là “đứa con” mà chị đã ấp ủ suốt 5 năm qua.
Thư viện mở cửa từ 9 giờ đến 16 giờ các ngày trong tuần, riêng cuối tuần tăng thêm thời gian mở cửa. Hầu hết những ngày cuối tuần, các em học sinh đến đây rất đông tạo nên không khí náo nhiệt, sôi động ngay trong con ngõ nhỏ của tổ dân phố Hoàng Liên.
Cứ cuối tuần, Nguyễn Như Quỳnh (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Liên Mạc) cùng mẹ đến thư viện để “tiếp thu” tri thức |
Đối tượng mà thư viện hướng tới không giới hạn độ tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là các học sinh tiểu học và trung học phổ thông. Đến nay, thư viện đã phát thẻ cho gần 60 người đăng ký và dần dần lan tỏa tới từng ngóc ngách của phường Liên Mạc cũng như một số địa phương lân cận.
Chia sẻ về “đứa con” ấp ủ đã thành hiện thực, chị Quỳnh Liên cho biết: “Phố Hoàng Liên là nơi vùng ven ngoại thành. Học sinh ở đây thiệt thòi hơn so với vùng nội thành. Các em không có nhiều sân chơi, hoạt động thực tế.
Thay vì để trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới các em nhiều hơn. Đọc sách sẽ giúp trẻ em thoát khỏi thói quen xấu và tạo dựng nên nếp sống lành mạnh, bổ ích. Do đó, tôi đã ấp ủ và xây dựng nên thư viện này”.
Chị Ngô Quỳnh Liên tận tình hướng dẫn bạn nhỏ chọn sách đọc |
Được biết, chị Ngô Quỳnh Liên hiện là giám đốc của một công ty điêu khắc. Ngoài xây dựng văn hóa đọc thông qua thư viện yêu thương, chị và công ty còn thường xuyên hướng dẫn người dân làm các bức tranh gốm sứ từ vật liệu tái chế. Hiện tại, tổ dân phố Hoàng Liên có khoảng gần 40 bức tường như thế.
Lan tỏa yêu thương
Theo chị Quỳnh Liên, những ngày đầu thành lập, nguồn sách chủ yếu do chị và bạn bè, người thân ủng hộ. Sau này, mọi người biết đến nhiều, cứ thế từng kệ sách dần được lấp bớt khoảng trống.
Ngay cả những bạn nhỏ chưa biết chữ cũng theo anh, chị đến thư viện giao lưu |
“Số sách của thư viện không biết có bao nhiêu cuốn. Có bạn góp vài quyển, bạn thì gửi từ miền Nam ra. Vì thư viện chưa đủ người quản lý nên khó kiểm soát số lượng, hiện tại chúng tôi cứ nhận và xếp sách thôi”, chị Quỳnh Liên cười nói.
Các đầu sách của thư viện yêu thương đa dạng nhiều thể loại: Văn học - nghệ thuật, tâm lý, kỹ năng mềm, truyện tranh... Mục đích của thư viện không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, không gian đọc sách lý tưởng mà còn hướng đến thực hành kỹ năng mềm cho mọi người nhiều hơn.
Ngoài hoạt động đọc sách miễn phí, mỗi tháng thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Chương trình tài trợ sách, tái chế, cuộc thi vẽ tranh... Mỗi hoạt động, thư viện đều cố gắng chuẩn bị chu đáo để người tham gia cảm thấy hài lòng.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến ra mắt cuốn sách "Bài hát lớn lên cùng con" trong hoạt động giới thiệu sách đầu tiên của thư viện yêu thương |
Em Minh Đồng, học sinh lớp 5A5, trường Tiểu học Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) háo hức đến thư viện yêu thương để đọc truyện mỗi cuối tuần. Minh Đồng cho biết: “Những ngày cuối tuần, em thường chơi game cùng các bạn nhưng từ khi biết đến thư viện thì em hay ra đây để đọc truyện. Bình thường đọc truyện ở nhà rất buồn ngủ, ở thư viện, em lại rất tập trung”.
Mới biết đến thư viện yêu thương từ cuối tháng 3, chị Duyên (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại chờ đến cuối tuần được nghỉ làm để cho các con đến đây đọc sách. “Lần đầu tiên đến đây, tôi rất bất ngờ khi biết ở phường Liên Mạc, gần chỗ mình làm có một thư viện độc đáo như thế.
Thư viện này sẽ giúp cho nhiều thanh thiếu nhi có nơi để đọc sách, từ đó giúp hạn chế tiếp xúc điện thoại. Tôi sẽ tiếp tục đưa con đến đây đọc và tìm lại những quyển sách mà các con đã đọc để tặng lại cho thư viện”, chị Duyên nói.
Các hoạt động của thư viện thu hút nhiều người tham gia |
Cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thư viện yêu thương ngày càng nhận được sự yêu mến, chị Ngô Quỳnh Liên mong muốn duy trì và bổ sung đầu sách theo nhiều chủ đề cho thư viện. Bởi với chị, đó cũng là cách gieo những hạt mầm xanh và mong muốn nhiều người cũng có thể làm như thế...