Thừa Thiên - Huế: Không để bị động trước bão Yagi
Tuổi trẻ Quảng Ninh ra quân hỗ trợ người dân ứng phó bão Yagi Tỉnh Thái Bình: Sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 3 YAGI Đảm bảo an toàn điện trước cơn bão YAGI |
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế họp triển khai công tác phòng, chống khẩn cấp bão số 3 và mưa lũ |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 Yagi đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17. Dự báo, bão ảnh hưởng trực tiếp tới Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 và ảnh hưởng sâu vào đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển, ven biển và mưa trên diện rộng.
Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với và mưa lũ, trong ngày 6/9, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động triển khai phương án, kế hoạch phòng chống bão.
Theo đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung nắm chắc tình hình bố trí lực lượng thường trực, ứng trực cùng phương tiện: Triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống bão, lũ tại cơ sở, đặc biệt là tại khu vực xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, quyết không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.
Các địa phương vùng ven biển Thừa Thiên - Huế cũng đã có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu vực đang neo đậu (Ảnh thuathienhue.gov) |
Ngoài ra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; phối hợp đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia và nhiều công tác khác với mục tiêu cao nhất là góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế đã tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng còn hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 3.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 3 để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với bão, nước dâng do bão, theo phương án khi bão số 3 có cường độ mạnh ảnh hưởng cần di dời khoảng 13.510 hộ với 46.073 nhân khẩu đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có kế hoạch về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2024; theo đó, dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền; tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, chủ động dự trữ tại chỗ một số mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, xăng dầu, nước uống... để phục vụ người dân trên địa bàn, đề phòng khi bị chia cắt, cô lập.