Thừa Thiên - Huế: Lên phương án sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5
Cơ quan chức năng kiểm tra, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão |
Theo dự báo của Trung tâm khí thượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 5 (Conson) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên - Huế trong những ngày sắp đến.
Lên phương án sơ tán dân trong bối cảnh dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bào này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương lên các phương án sơ tán dân trong bối cảnh địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị các địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch, đặc biệt đối với các địa phương đang áp dụng giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Đồng thời, Ban Chỉ huy yêu cầu các địa phương, đơn vị, sở, ngành liên quan tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các khu cách lý tập trung, các chốt kiểm tra; Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và sơ tán dân an toàn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc vừa phòng chống bão vừa đảm bảo phòng chống dịch đặt ra nhiều khó khăn hơn. Riêng các F0 đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung thì đây là những cơ sở kiên cố và có lực lượng quân đội, công an... nên đảm bảo an toàn.
Đối với những người đang theo dõi y tế ở nhà tại các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính Phủ thì thực hiện “4 tại chỗ”. Trong trường hợp buộc phải di dời thì phải đảm bảo 5K của Bộ Y tế.
“Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá, bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Giao các địa phương, đơn vị liên quan đến 14h ngày 10/9/2021 phải kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu những vị trí an toàn; Bên cạch đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão số 5, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, website của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh)”, ông Hùng đề nghị.
Được biết, hiện tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế vẫn đang tiến hành kiểm đếm các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế cũng đã có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại Cảng Thuận An và Cảng Chân Mây.
Phát quang, chặt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão |
Đảm bảo điện tuyệt đối cho công tác phòng, chống dịch
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão Conson. Theo đó, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra nguồn, lưới điện, các vị trí xung yếu và lập phương án khắc phục, xử lý đảm bảo an điện, đặc biệt bảo đảm điện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất sự cố điện có thể xảy ra khi bão vào như: Gia cố móng, tăng cường, bổ sung dây néo, chống sạt lở.
Bên cạnh đó, Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình cải tạo lưới điện, khắc phục kịp thời các tồn tại; Phối hợp với các đơn vị chủ quản các hồ, đập và nhà máy thủy điện trên địa bàn quản lý tiến hành kiểm tra kỹ thuật lưới điện, phát quang chặt tỉa các cây trong và ngoài hành lang để đảm bảo cấp điện ổn định tuyến đường dây cấp điện cho các hồ, đập.
“Đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã để thực hiện việc phát quang, chặt tỉa, giảm tán cây ảnh hưởng đến lưới điện đồng thời chủ động liên hệ trực tiếp với chủ cây, chủ rừng để vận động, thương thảo trong công tác hỗ trợ đền bù để phát quang hoặc tỉa những cây, cành có khả năng gây sự cố…”, ông Phúc thông tin.