Thúc đẩy giải pháp thay thế đồ nhựa hiệu quả
Giới trẻ nói không với đồ nhựa dùng một lần Người trẻ cùng thay đổi thói quen dùng túi nilon Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần |
Rác thải nhựa ngày càng gia tăng và khó kiểm soát
Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Thực tế, có rất nhiều loại nhựa và ứng dụng của nhựa khó có thể thay thế bằng vật liệu khác được như: vỏ bọc cách điện, ống nước, da giả, bộ phận xe hơi, dụng cụ y tế…
Tuy nhiên, việc lạm dụng vô tội vạ, không kiểm soát các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như bao nilon, cốc, thìa, bát nhựa… đang khiến cho lượng rác thải tăng lên rất nhanh theo từng năm. Công nghệ tái chế chất thải nhựa của Việt Nam chưa phát triển, cùng với hành vi vứt rác bừa bãi trên đường, cống rãnh, kênh rạch… càng khiến cho rác thải tràn lan ngoài môi trường.
![]() |
Ô nhiễm nhựa trên diện rộng toàn cầu đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường |
Vì thế, tình trạng “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam đang ở mức báo động. Theo báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF Việt Nam tài trợ cho thấy, trong năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa (CTN) phát sinh trên toàn quốc là 8.021 tấn/ngày, tương ứng 2,93 triệu tấn/năm.
Sản phẩm nhựa là loại sản phẩm khó phân hủy nhất, phải mất khoảng 500-700 năm mới phân hủy hoàn toàn. Nó gây ra tác hại kinh hoàng và đang làm rối loạn đời sống, làm mất cân bằng sinh thái.
Một thời người ta tưởng xử lý nó dễ dàng, chỉ cần thu gom lại rồi nấu lên làm ra sản phẩm mới là ổn. Thực tế cho đến nay người ta mới thu gom, xử lý được 7-12% sản phẩm sau khi vứt bỏ đi.
Đáng chú ý, việc sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ nhựa gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến xã hội, môi trường và kinh tế. Các chi phí này không được tính đến trong giá cả hiện nay của nhựa nguyên sinh.
Trong báo cáo “Nhựa - Chi phí đối với xã hội, môi trường và kinh tế” của Dalberg do WWF - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên ủy thác cho thấy, chi phí của nhựa đối với môi trường và xã hội cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường mà các nhà sản xuất nhựa nguyên sinh phải trả, kéo theo những chi phí phát sinh đáng kể cho các quốc gia. Việc các Chính phủ chưa hiểu rõ về chi phí thực tế của nhựa đã dẫn đến công tác quản lý kém hiệu quả đối với loại vật liệu này và làm tăng chi phí sinh thái, xã hội và kinh tế đối với các quốc gia.
Theo báo cáo này, chi phí xã hội trong suốt chu kỳ vòng đời của nhựa được sản xuất vào năm 2040 có thể lên tới 7,1 nghìn tỷ đô la Mỹ (+/-2,2 nghìn tỷ đô la Mỹ), tương đương khoảng 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018 và lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, Canada và Úc năm 2019 cộng lại.
Chi phí xã hội có thể định lượng được của nhựa hiện nay là đáng kể, tuy nhiên đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, chi phí từ các tác động đã được biết đến và tác động tiềm ẩn đối với sức khoẻ con người cũng như tác động đến các hệ sinh thái trên cạn vẫn chưa được định lượng hoặc vẫn còn khó xác định tại thời điểm này.
Sản phẩm thay thế cần tiện lợi với giá thành phù hợp
Nếu nhận thức đúng và hành động đúng thì rõ ràng đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại lợi ích kép không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho quốc gia, hơn nữa nó là một thị trường đầy tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh tầm quốc tế.
Theo ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, hiện nay tại thị trường Việt Nam có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, thường là túi dùng nguyên liệu có gốc thực vật thay thế.
Các sản phẩm khay, hộp đựng thực phẩm thay thế như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía... Các loại ống hút thay thế làm từ gạo, sậy, tre. Các giải pháp khác như màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước…
Ở Việt Nam khuynh hướng sử dụng các vật liệu tự nhiên thay thế đồ nhựa dùng một lần như ống hút, tô, khay đã xuất hiện từ năm 2018. Đến năm 2022, có bốn cơ sở sản xuất ống hút từ thân cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Qua các công đoạn chọn lựa, cắt, vệ sinh, sấy khô, các cơ sở này đã thành công nhưng loại ống hút này rất ít xuất hiện trên thị trường Việt Nam, kể cả ở TP HCM.
Các chủ quán cà phê, nhà hàng giải thích rằng giá thành của nó khá cao so với ống hút nhựa. Giá bán của ống hút nhựa hiện nay, một gói 80 cái giá 8.000 đồng, tính ra là 100 đồng/cái.
![]() |
Một số cửa hàng đã sử dụng lá chuối để bọc thực phẩm như bánh, xôi, rau củ, trái cây… |
Trong khi đó, giá ống hút bằng cỏ bàng là 600.000 đồng cho một túi 500 cái, khoảng 1.100 đồng/cái, đắt hơn gấp 10 lần so với ống hút nhựa. Đó là chưa kể ống hút nhựa vất lăn lóc đâu đó vài năm sau lôi ra vẫn dùng được, còn ống hút cỏ bàng có tuổi thọ ngắn - bảo quản kỹ sẽ được 6 tháng, nếu mốc là phải bỏ.
Lý do giá thành ống hút bằng cỏ bàng cao là do nguyên liệu đầu vào không có nhiều, chưa có vùng nguyên liệu, chưa có máy móc chuyên dụng. Cỏ bàng là loại cỏ mọc hoang ngoài tự nhiên nên sản phẩm không đồng đều, và có mùa có có mùa không, do vậy mà năng suất rất thấp. Ba trong 4 cơ sở nói trên mỗi ngày sản xuất ra được khoảng 17.000 ống hút bằng cỏ bàng. Trong khi đó, các nhà khoa học ước tính mỗi ngày người Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm triệu ống hút nhựa. 17.000 so với hàng trăm triệu thì quả thật là cuộc chiến bất đối xứng.
Một ví dụ khác là anh Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã biến mo cau thành chén, dĩa. Năm 2019 anh nhập máy làm tô, chén, dĩa, thìa, muỗng… từ mo cau của Ấn Độ, thuê nhân công thu gom mo cau, xử lý thô rồi đưa vào khuôn ép nhiệt khoảng 40 giây, sau đó người thợ dùng dao cắt theo đường viền, tạo hình cho sản phẩm.
Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm. Tuy nhiên sản phẩm không tiêu thụ được trong nước mà chủ yếu xuất khẩu sang Ba Lan, Mỹ… vì giá thành khá cao. Mỗi cái chén, dĩa mo cau được bán với giá 3.000 - 5.000 đồng, loại lớn có thể đến hơn 10.000 đồng, đắt hơn nhiều lần so với tô, chén, dĩa nhựa.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Tuyến sắp sếp các sản phẩm từ lá tra mới sản xuất |
Từ những ví dụ điển hình trên có thể thấy, muốn tìm sản phẩm thay thế nhựa thì cần phải tìm ra vật liệu an toàn khác với phương án sản xuất với số lượng lớn hơn, giá thành rẻ tương đương với sản phẩm nhựa.
Để làm được điều này Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng vào cuộc. Nhà nước tạo cơ chế, điều kiện cho doanh nghiệp mở ra vùng trồng nguyên liệu với quy mô lớn và năng suất cao.
Ông Nguyễn Minh Khoa, chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Song song đó, cần hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước...
Việt Nam cam kết phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nếu nhận thức đúng và hành động đúng thì rõ ràng đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại lợi ích kép không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho quốc gia, hơn nữa đó cũng là một thị trường đầy tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh tầm quốc tế.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ứng trực bảo đảm thoát nước, phòng, chống úng ngập dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội ngày nắng, chiều tối và đêm có dông vài nơi

Nhiều khu vực ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào

Diễn biến thời tiết các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ và phát triển rừng

Đà Nẵng: “Tây nhặt rác” nhân lên những việc tử tế, tốt đẹp

Hà Nội ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ C

Hơn 1.000 tình nguyện viên giải cứu san hô

Điện Thái Hòa di tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS
