Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa liên tục tăng
Theo thống kê, trong năm 2022 sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm… Đáng nói, cùng với sự tăng trưởng của ngành nhựa là sự gia tăng, phát sinh rác thải nhựa.
Rác thải nhựa ngập ngụa khắp nơi |
Theo báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF Việt Nam tài trợ cho thấy, trong năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa (CTN) phát sinh trên toàn quốc là 8.021 tấn/ngày, tương ứng 2,93 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực đô thị chiếm khoảng 56% và khu vực nông thôn là 44%.
Các loại CTN có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường và các hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến môi trường, vẻ đẹp thẩm mỹ của các loại hình cảnh quan du lịch, gây suy giảm đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tác động đến các ngành kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Báo cáo cũng chỉ ra, kết quả khảo sát người dân tại các địa phương khác nhau cho thấy tình hình ô nhiễm rác nghiêm trọng tại khu vực họ sinh sống (37,41%). Một số tác động chính của CTN đến môi trường sống được người dân phản ánh chủ yếu gồm: Gây ô nhiễm sông, kênh rạch, ao hồ (75,9%), gây tắc nghẽn dòng chảy (54,3%), gây mất mỹ quan đô thị (75,9%), gây ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp (48,6%), gây ô nhiễm không khí (51,8%) và gây ô nhiễm bãi biển, nước biển (37,8%)...
Điều đáng nói, báo cáo khảo sát cho thấy, mức độ nhận thức của cộng đồng về tác động của CTN đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường là tương đối cao.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cảnh báo, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật.
Những con số trên không chỉ mang ý nghĩa thống kê từ năm này qua năm khác mà còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải nhựa bao vây. Với tính chất khó phân hủy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ ngày càng tác động nghiêm trọng hơn tới môi trường cũng như sức khỏe con người.
Huy động mọi nguồn lực
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ trong thực hiện giảm thiểu CTN để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và đại dương. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chỉ đạo, cơ chế, chính sách để thực hiện nhiều giải pháp và hành động nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm CTN.
Cùng với đó, các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng đã được đẩy mạnh, tạo động lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế CTN.
Một số doanh nghiệp triển khai chiến dịch thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa |
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các kế hoạch giảm phát thải CTN còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như: Chưa thống kê và quản lý chặt chẽ việc sản xuất túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu thuế đối với túi nilon khó phân hủy chưa triệt để và chưa đồng bộ; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì và các sản phẩm nhựa chưa được phát huy và triển khai rộng rãi.
Bên cạnh đó, chính sách về phân loại chất thải rắn sinh hoạt chưa được thực hiện đồng bộ tại các địa phương; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt mục tiêu tại các khu vực nông thôn; thu hồi CTN trong chất thải rắn sinh hoạt để tái chế còn thấp; chưa thu hút đầu tư được trạm trung chuyển kết hợp thu hồi phế liệu nhựa, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại; chưa có nhân lực chuyên trách quản lý CTN thực hiện ở cấp địa phương...
Thời gian tới, để nâng cao công tác quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa, theo bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Nhà nước cần ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nilon khó phân hủy. Song song đó, chúng ta cần áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa; áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường…
Thực tế, tại các tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị đã cam kết không sử dụng túi nilon. Một số hãng hàng không cũng cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
Nhiều bạn trẻ đang tích cực chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa |
Việc đột ngột thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó nhưng không phải là không có cách khắc phục. Thêm vào đó, chúng ta cần có biện pháp khắc chế với các cơ sở sản xuất và phân phối đồ nhựa. Chính quyền cần tăng cường giám sát, thành lập những đội kiểm tra với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi, xử lý vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa trong mô hình kinh doanh đã bị cấm sử dụng đồ nhựa.
Mặt khác, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về tác hại, mặt trái của sự tiện lợi mà đồ nhựa đem lại; từ đó thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần, chuyển sang những đồ dùng có thể tái sử dụng như; Túi giấy, túi vải, những sản phẩm được gói đựng bằng lá, tre, nứa...
"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa là cuộc chiến dài hơi, phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành cần có những biện pháp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong xử lý tình trạng ô nhiễm CTN.
Quan trọng hơn cả, mỗi người dân hãy nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất.