Thực trạng về loài gấu và quyết tâm bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam
Cá thể gấu tại Ninh Giang, Hải Dương được các bác sỹ thú y kiểm tra sức khỏe |
Riêng tại Hà Nội, hiện còn khoảng 170 cá thể gấu đang được nuôi nhốt trong gần 20 trang trại tư nhân, phần lớn gấu nuôi tập trung tại huyện Phúc Thọ, chiếm đến ¼ số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên khắp cả nước.
Với mong muốn chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước, Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp nhằm đưa các cá thể gấu về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022.
Mới đây nhất, ngày 15/10/2020, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ. Cá thể gấu ngựa này do chủ nuôi tự nguyện chuyển giao, dưới sự vận động của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, với mong muốn gấu có cuộc sống tốt nhất trong phần đời còn lại.
Cá thể gấu có giới tính đực ước chừng gần 200kg, được nuôi nhốt trong sân nhà một hộ dân ở thị trấn Phúc Thọ (toàn huyện Phúc Thọ hiện còn khoảng 140 cá thể gấu đang được nuôi nhốt trong các trang trại tư nhân). Theo thông tin từ gia đình, chủ nuôi đã nuôi gấu từ năm 2002, tính đến nay khoảng 18 năm từ khi là gấu con.
Theo đại diện Tổ chức Động vật Châu Á, đây là một trong những cá thể gấu đầu tiên ở Hà Nội được các hộ tư nhân đồng thuận chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ Gấu nuôi cứu hộ vì mục đích nhân đạo. Trong quá trình cứu hộ, các bác sỹ thú y đã gây mê để đưa gấu ra khỏi chuồng nuôi nhốt. Quá trình cứu hộ diễn ra suôn sẻ.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã kiểm tra chip đăng ký của gấu và thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các quy trình, thủ tục bàn giao về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngay trong ngày 15/10 vừa qua.
Theo kế hoạch, trước khi được giới thiệu vào các khu bán tự nhiên rộng gần 3.000m2 ở Trung tâm, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly đảm bảo không lây nhiễm bệnh, được chữa trị, ghép nhóm, và phục hồi bản năng, sức khoẻ dần dần.
Trước đó, sau hơn 15 năm sống trong “ngôi nhà sắt” tại huyện Ninh Giang (Hải Dương), một cá thể gấu ngựa vừa được chuyển giao về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia ở tỉnh Ninh Bình.
Ngày 2/10/2020, một chủ gấu tại tỉnh Lâm Đồng đã chuyển giao 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt đến Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên, sau khi người này bị phát hiện buôn bán trái phép 2 chi gấu được cắt từ cá thể gấu chết trước đó tại gia đình.
Sự việc chuyển giao gấu lần này được xem là kết quả của đợt kiểm tra, gắn chíp điện tử thế hệ mới cho gấu do các cơ quan chức năng tiến hành đầu năm 2020 nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu tại Hải Dương.
Qua quá trình kiểm tra một cơ sở nuôi nhốt gấu tại khu 2, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, cơ quan chức năng đã không phát hiện chíp của cá thể gấu duy nhất được đăng ký nuôi nhốt tại cơ sở.
Sau một thời gian làm việc với cơ quan chức năng, cuối tháng Bảy vừa qua, chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao cá thể gấu bị nuôi nhốt cho nhà nước.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, cho biết: Năm 2005 ENV ghi nhận hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật nhưng cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn chưa tới 400 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân trên cả nước.
“Sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ gấu thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chủ gấu cũng đã quyết định tự nguyện chuyển giao gấu. Lợi nhuận từ buôn bán trái phép mật gấu và các sản phẩm từ gấu cũng đang dần biến mất, thúc đẩy chủ gấu sớm từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu mang nhiều rủi ro pháp lý này”, bà Hà nhấn mạnh.
Đại diện ENV đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. ENV tin rằng với nỗ lực của cơ quan chức năng, tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam sẽ sớm đi đến hồi kết, tạo điều kiện cho các quần thể gấu ngoài tự nhiên được phục hồi.
Đầu tháng 10/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững” theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc do Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir tổ chức.
Mục đích của Hội nghị nhằm khẳng định cam kết cải thiện mối quan hệ của con người với thiên nhiên; hướng giải quyết các nguyên nhân gây thay đổi đa dạng sinh học; nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm đa dạng sinh học trong các hoạt động phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng nhằm nâng cao tham vọng đối với Khung đa dạng sinh học sau năm 2020 (dự kiến sẽ được đưa ra để thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các nước tham gia Công ước Đa dạng sinh học tổ chức trong năm 2021).
Phát biểu tại Phiên toàn thể của Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay, đa dạng sinh học đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do những hậu quả và hành động của con người, đặc biệt là từ các nguyên nhân: tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã gia tăng; suy giảm diện tích rừng tự nhiên do cháy rừng và hoạt động khai thác gỗ; hậu quả của sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Những hoạt động kể trên với mục đích phát triển kinh tế-xã hội đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cả trên đất liền và đại dương ở phạm vi toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo cho đến tất cả mọi người dân."
Tại Phiên toàn thể, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các quốc gia hãy cùng kết hợp sức mạnh, phối hợp hành động khẩn cấp, quyết liệt và thiết thực hơn nữa để bảo vệ “nguồn tài nguyên vô giá” là đa dạng sinh học; đồng thời cũng là đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đưa ra những hành động cụ thể nhằm kêu gọi các nước thực thi như: xây dựng một nền kinh tế xanh trên cơ sở đầu tư vào vốn tự nhiên để thay thế cho nền kinh tế hiện nay - vốn chủ yếu dựa vào khai thác và bóc lột tự nhiên; chuyển đổi tư duy từ mô hình phát triển kinh tế khai thác tự nhiên sang nền kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng với tự nhiên; lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học vào các dự án phát triển, đa dạng sinh học cần phải được coi là một phần quan trọng trong các giải pháp về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời là thước đo những nỗ lực trong phát triển bền vững; thực thi các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn khẩn cấp tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương hiện nay; khuyến khích xây dựng và tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức về môi trường; chú trọng thiết lập mối quan hệ một cách tôn trọng và hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Ở nhiều nước trên thế giới, những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phát triển rất mạnh. Việt Nam cần chung tay góp sức thành lập thêm nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã như ENV, tạo điều kiện để các động vật này có được nhiều môi trường sống phù hợp. Chúng ta cũng cần sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế trong đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho các Trung tâm cứu trợ động vật hoang dã; gắn chip cho động vật hoang dã để bảo vệ tốt hơn…
Ý thức của một số người quá kém, hoặc đã bị lợi nhuận làm mờ mắt hay đã bị lòng ham muốn (như muốn thưởng thức) làm họ trở nên ngày càng vô cảm hơn. Cách duy nhất để bảo vệ gấu và các loài động vật hoang dã là phạt thật nghiêm những kẻ săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Nếu không, ngày tuyệt chủng của chúng không còn xa nữa và công sức những người bảo vệ cũng sẽ như muối bỏ biển.
Bên cạnh đó, chúng ta tập trung giáo dục cho thế hệ trẻ, hãy đưa chính những hình ảnh thương tâm này vào trường học và phân tích cho học sinh thấy chỉ vì những công dụng y học chưa công bố của sản phẩm động vật, mà người ta đẩy những người bạn thiên nhiên vào chốn đường cùng, tận diệt chúng. Có như vậy, mới mong lớp trẻ sẽ “nói không” với việc hành hạ hoặc tận diệt thú rừng, tích cực bảo vệ động vật tốt hơn.
Ngoài việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã (ÐVHD) nói chung, loài gấu nói riêng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ÐVHD. Cần giúp cộng đồng tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài ÐVHD, từ đó cam kết không sử dụng ÐVHD và các sản phẩm từ ÐVHD, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về ÐVHD.
Sự tham gia và chung tay của cộng đồng, chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã đến nhiều người khác sẽ tạo nên một trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp, trong đó mỗi người dân Việt Nam cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng cách không ăn, không sử dụng và không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tiếng nói chung của những người ủng hộ sẽ góp phần lên án, tẩy chay nhằm thay đổi hành vi ăn thịt động vật hoang dã của một nhóm thiểu số người ở Việt Nam.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |