Thưởng thức ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên - Hà Nội)
Thưởng thức ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên - Hà Nội)
Theo đó, những bạn trẻ yêu mến di sản văn hóa phi vật thể ca trù sẽ tham gia trải nghiệm, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đặc sắc này tại làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên – một trong những cái nôi của ca trù Hà Nội.
Theo các cụ trong làng kể lại, người Chanh Thôn biết hát ca trù từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Cụ tổ ca trù của làng Chanh Thôn là cụ Nguyễn Văn Đỉnh. Sau này, các con, cháu, chắt của cụ đều theo nghiệp hát ca trù và là những ca nương giỏi của làng.
Những năm trước Cánh mạng Tháng Tám, làng Chanh Thôn đã có một đội hát ca trù gồm 17 kép đàn và 32 ca nương, đều được rèn luyện, hội tụ đủ những tiêu chuẩn khắt khe như: Giọng hát, năng khiếu âm nhạc, kiến thức âm nhạc để chuyển tải và thể hiện được những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Thời gian này ca trù phía Bắc phát triển rất mạnh, ca trù Chanh Thôn đã kết hợp với các phường giáo ca trù xung quanh thành phố Hà Nội. Hàng năm, các phường giáo ca trù đều tổ chức mở hội thi đàn hát ca trù để chọn kép đàn, ca nương giỏi đi phục vụ tại Cung đình Huế...
Cho tới ngày nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam và cả nhân loại. Ca trù còn là nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Đặc biết, đến cuối năm 2006, đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn đã được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”, nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn được công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian. Từ đó, CLB Ca trù Chanh Thôn được thành lập với nhiệm vụ vừa bảo tồn vốn cổ của ông cha, vừa truyền lửa yêu ca trù cho lớp trẻ kế cận.